Hội thảo bàn về chủ đề “Để Quảng Bình trở thành tỉnh mạnh về nông nghiệp công nghệ cao”Hội thảo bàn về chủ đề “Để Quảng Bình trở thành tỉnh mạnh về nông nghiệp công nghệ cao” (Ảnh: Lê Quyết)

Hội nghị do báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt cùng với Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình phối hợp tổ chức.

Tại buổi hội thảo trực tuyến, đại diện lãnh đạo các ban, ngành, doanh nghiệp đã nêu lên nhiều vấn đề “nóng”nhằm đưa Quảng Bình trở thành tỉnh mạnh về nông nghiệp công nghệ cao.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Công Toán - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình nói rõ vai trò, sự cần thiết phải sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Để có được điều này, các sở, ban ngành, địa phương cần quan tâm đào tạo nghề cho nông dân, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất. Đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Đồng thời, thông qua nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân và phối hợp với các Ngân hàng thương mại trên địa bàn hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; vận động nông dân tham gia mô hình kinh tế tập thể. Tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành các chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Lân - Công ty TNHH Giống Cây trồng Nông lâm nghiệp Nam Việt chia sẻ: “Ngoài việc áo dụng công nghệ cao với các phương tiện kỹ thuật thì điều quan trọng nhất tôi thấy là việc đầu tư cho con người. Bởi dù công nghệ cao đến đâu mà không có nguồn nhân lực thực hiện sẽ không thể hiệu quả”.    

Còn ông Phạm Trung Kiên - Chủ tịch Công ty JV System, cho hay: “Tôi rất đồng tình với quan điểm của các chuyên gia, nhà khoa học trong trực tuyến hôm nay. Canh tác nông nghiệp bên cạnh các yếu tố kỹ thuật, công nghệ còn nhiều yếu tố khác như xử lý đất, chọn giống cây phù hợp nhất. Đơn cử, trong một dự án gần đây, chúng tôi mất cả năm trời để cải tạo đất, phơi đất, băm cỏ, rồi trồng thử và sau 2 năm mới trồng chính thức. Tất nhiên chúng tôi hoàn toàn sử dụng phân vi sinh. Làm công nghệ cao là cả một quá trình”.

Với sự quyết tâm cao, vào cuộc và đầu tư bài bản, nghiêm túc của các công ty, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng một ngày nào đó không chỉ tỉnh Quảng Bình mà đất nước ta sẽ trở thành quốc gia mạnh về nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Lê Văn Tri  đã nêu 6 yếu tố cho nông nghiệp công nghệ cao Quảng Bình: Thứ nhất, xây dựng cơ chế chính sách, quy trình phù hợp để thực hiện tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tổng kết đánh giá các mô hình đã triển khai làm căn cứ thực tiễn để đề xuất những giải pháp đảm bảo tính khả thi.

Thứ hai, cải cách các chính sách tín dụng trong nông nghiệp thông thoáng hơn giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, cải cách môi trường đầu tư có cơ chế hỗ trợ đủ mạnh để thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Thứ ba, lựa chọn đúng sản phẩm thế mạnh của địa phương, áp dụng các quy trình và công nghệ thích hợp, tránh tình trạng chạy theo những công nghệ cao đắt đỏ, khó áp dụng và rủi ro cao.

Thứ tư, cần có các chính sách ưu đãi về thuế, thủ tục hành chính, đất đai cho các Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ năm, đẩy mạnh tăng cường sự liên kết 5 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học và ngân hàng trong sản xuất nông nghiệp.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao trên thị trường trong và ngoài nước.

“Ưu tiên trong việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các dự án nông nghiệp CNC; làm tốt công tác cải cách hành chính, tạo các điều kiện thuận lợi nhất để các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án”, Ông Mai Văn Minh – Phó GĐ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình.

Được biết, theo kết quả tổng hợp bước đầu, tỉnh Quảng Bình hiện có khoảng 26 cơ sở nông nghiệp công nghệ cao, trong đó nhiều nhất là trên lĩnh vực trồng trọt với 18 cơ sở, chăn nuôi 3, thủy sản 3, lâm nghiệp và chế biến gỗ 2 cơ sở. Riêng năm 2019, từ nguồn kinh phí chính sách nông nghiệp, Sở NNPTNT đã hỗ trợ xây dựng 6 nhà màng, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước để sản xuất rau quả an toàn.

Lê Quyết