Đứng từ bên này, chỉ về phía những hồ tôm, anh Nguyễn Văn Chiến (SN 1977) buồn rầu nói: “Tôm đã chết hết, gia đình phải xả hết nước để rắc vôi hạ phèn, khử trùng cho lòng hồ để vực dậy nuôi vụ tôm tiếp theo. Đây là vụ tôm đầu tiên nhưng gia đình thua lỗ quá”.
Cũng theo anh Chiến, vụ tôm vừa qua, gia đình anh thả nuôi 6 hồ tôm với trên diện tích 31.000 m2. Tuy nhiên, khoảng một tháng trở lại đây, tôm trong hồ bỗng nhiên chết hàng loạt, ước tính thiệt hại trên 200 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Chiến cầm trên tay những con tôm chết vừa vớt được trong hồ
Triệu chứng của tôm chết là xuất hiện đốm hoặc màu đỏ trên thân. Mặc dầu các ban ngành đã cho người về kiểm tra nhưng chưa phát hiện được bệnh gây ra việc tôm chết hàng loạt.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Trần Văn Ý (SN 1956) cho biết, gia đình ông có 2 hồ tôm đầu tư vật tư, con giống hơn 100 triệu đồng nhưng đều bị chết sạch. Vì tôm còn nhỏ nên khi tôm chết, ông phải vớt lên rồi mang đi vứt.
“Thấy tôm chết hết nên giờ tôi cũng nản không muốn nuôi tiếp vụ tôm mới nữa”, ông Ý buồn bã nói.
Tôm chết hàng loạt trong các hồ nuôi tôm của người dân ở phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn, Quảng Bình)
Ông Phan Thanh Đôn – Chủ tịch UBND phường Quảng cho rằng: “Nguyên nhân tôm chết, một phần là do thời tiết nắng nóng, tôm không phát triển được cộng với nước có độ mặn cao. Chúng tôi cũng đã cử cán bộ Thú y đến kiểm tra ở cá hồ nuôi tôm nhưng chưa xác định chính xác được nguyên nhân. Hiện, phường đã báo cáo lên phòng Kinh Tế của Thị xã Ba Đồn để có hỗ trợ cho các hộ dân nuôi tôm”.
Được biết, hiện trên địa bàn phường Quảng Phúc có 40ha nuôi tôm, nhưng 10ha đã có tôm bị chết.
Lê Quyết