Đồ chơi thuần Việt chiếm lĩnh thị trường
Những ngày này, thị trường đồ chơi trung thu đang bước vào thời điểm sôi động, tấp nập người mua bán, nhất là vào các buổi tối cuối tuần.
Tại TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) những tuyến đường lớn như Phan Châu Trinh, Hùng Vương, Trần Cao Vân… dường như được tô thắm thêm bởi sắc màu của đủ loại đồ chơi trung thu được bày bán trong các cửa hàng. Nhìn chung, năm nay, các mặt hàng đồ chơi vẫn đa dạng về chủng loại, mẫu mã nhưng có sự vượt trội của các mặt hàng truyền thống trong nước như đầu lân, trống cơm, đèn ông sao, mặt nạ ông địa, quạt mo…
Đáng chú ý, sản phẩm đồ chơi dân gian, truyền thống, được làm từ những nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường, có giá thành thấp được nhiều phụ huynh tin tưởng lựa chọn. Cụ thể, đèn ông sao cỡ nhỏ có giá khoảng 10.000 đồng/chiếc, cỡ lớn khoảng 50.000 đồng/chiếc; lồng đèn làm bằng giấy bóng kính dao động từ 40.000 - 80.000 đồng/chiếc; đầu lân có mức giá nhỉnh hơn, khoảng 200.000 đến 1 triệu đồng/chiếc...
Chị Phạm Thị Hồng Nguyệt, chủ một cửa hàng chuyên sản xuất, phân phối đồ chơi trung thu trên đường Phan Châu Trinh (Tam Kỳ) cho biết, nắm bắt được thị hiếu của khách hàng nên năm nay, cửa hàng chị chủ yếu tập trung sản xuất các loại đồ chơi dân gian nhưng mẫu mã đã được cải tiến nhiều hơn để có vẻ ngoài bắt mắt.
“Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay cửa hàng tôi chủ yếu bán đồ chơi trung thu có xuất xứ trong nước, chủ yếu là tự sản xuất chứ không nhập hàng ở chỗ khác về, vì vậy hầu hết đều có giá bình dân, ai cũng dễ dàng mua đồ chơi tặng con em mình” - chị Nguyệt chia sẻ.
Lo ngại đồ chơi độc hại không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến sức khỏe của con trẻ nên thay vì để vợ đi mua đồ chơi cho con như mọi năm thì năm nay, anh Lê văn Hùng ở Thăng Bình trực tiếp lựa chọn đồ chơi trung thu cho con. “Dù ở nhà đã có rất nhiều đồ chơi nhiều, nhưng nhân dịp Tết Trung thu, tôi muốn mua cho con món đồ chơi dân gian, sản xuất trong nước, an toàn và có tính giáo dục cao” - anh Hùng nói.
Đồ chơi là món quà không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu. Năm nay, đồ chơi trung thu Việt với nhiều hàng đẹp, mẫu mã phong phú đang chiếm ưu thế và được lòng các bậc phụ huynh bởi mang tính giáo dục và phù hợp với những giá trị văn hóa Việt.
Anh Hưng theo nghề làm đầu lân này đã hơn 27 năm
Đến phố cổ Hội An, chúng tôi tìm gặp gia đình lâu đời làm đầu lân sản phẩm của ông Nguyễn Hưng (phường Cẩm Hà, TP Hội An, Quảng Nam) được nhiều người ưu thích. Đám trẻ con trong vùng gọi ông với cái tên thân thiện “Ông Ròm đầu lân”. Càng gần Tết Trung thu, “Ông Ròm đầu lân” cùng những người thợ thêm bận rộn.
Sản phẩm đầu lân chủ yếu bán vào dịp Tết Trung thu, nhưng gia đình ông Hưng bận rộn quanh năm. Ngay từ sau Tết Nguyên đán, ông đã thuê nhân công làm khuôn, vót tre, chuẩn bị dụng cụ để làm đầu lân.
Mỗi con lân, mặt nạ đều làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công
Bình quân mỗi năm, cơ sở ông sản xuất từ 2.000 - 3.000 sản phẩm, cung cấp cho bạn hàng ổn định khắp nơi từ Nam ra Bắc. Nhiều lô hàng được du khách nước ngoài mua mang về nước với giá mỗi đầu lân từ vài chục nghìn đồng đến vài triệu đồng.
Nhờ có năng khiếu vẽ hoa văn, chịu khó học hỏi, tìm tòi thay đổi mẫu mã nên sản phẩm đầu lân của cơ sở ông Hưng luôn bắt mắt khách hàng. Một khách hàng quen thuộc của cơ sở sản xuất đần lân Nguyễn Hưng cho biết: “Ở Hội An, đầu lân của ông Ròm làm đẹp nhất”.
Thần thái của con lân nằm ở đôi mắt
Những năm gần đây, nghề làm đầu lân ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) dần mai một. Đây đó, một số nghệ nhân còn gắn bó với nghề, bởi ngoài thu nhập, với họ đây còn là niềm đam mê, đem lại niềm vui cho trẻ em vào dịp Trung thu về.
Nhìn chung, thị trường đồ chơi Trung thu năm nay tại tỉnh Quảng Nam ngày càng có nhiều người dân lựa chọn đồ chơi truyền thống và quay lưng với hàng không rõ nguồn gốc, thực sự đó là tín hiệu đáng mừng.
Trọng Tâm