
Ngày 11/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn chủ trì buổi làm việc với Sở GD&ĐT cùng các sở, ngành liên quan để nghe báo cáo về tình hình đầu tư cơ sở vật chất cho các trường THPT đạt chuẩn phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam, Sở đã tiến hành rà soát nhu cầu tối thiểu của các trường chưa đạt chuẩn hoặc hết hạn công nhận chuẩn quốc gia để đưa vào lộ trình công nhận lại vào năm 2025. Dự kiến tổng mức đầu tư cho nội dung này trong giai đoạn 2021-2025 là hơn 80 tỷ đồng, bao gồm sửa chữa, nâng cấp, mở rộng và xây mới 11 trường. Trong đó, riêng hạng mục xây dựng Nhà Đa năng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng được đầu tư 5 tỷ đồng từ nguồn vốn NTM.
Tại cuộc họp, Sở GD&ĐT kiến nghị UBND tỉnh sớm phê duyệt danh mục và bố trí vốn ngay từ đầu năm để các huyện đảm bảo các tiêu chí về đích NTM năm 2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nhấn mạnh rằng giáo dục là tiêu chí quan trọng trong đánh giá huyện đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, qua kiểm tra, nhiều nơi vẫn chưa đảm bảo cơ sở vật chất.
Đây là năm cuối cùng triển khai chỉ tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, do đó cần tập trung nguồn lực để hoàn thành theo kế hoạch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị Sở GD&ĐT sớm hoàn thiện hồ sơ, trình UBND tỉnh xem xét, thống nhất phân bổ kinh phí để kịp thời triển khai, đảm bảo lộ trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Số trường này ở các địa phương như: Đại Lộc (Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển và Huỳnh Ngọc Huệ), Núi Thành (Nguyễn Huệ và Cao Bá Quát), Phú Ninh (Trần Văn Dư và Nguyễn Dục), Duy Xuyên (Sào Nam, Lê Hồng Phong và Hồ Nghinh), Quế Sơn (Nguyễn Văn Cừ và Nông Sơn).
Về công tác sửa chữa, xây mới năm 2025, qua khảo sát có 44 công trình với tổng khái toán đầu tư hơn 80 tỷ đồng. Riêng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Phước) hoàn chỉnh hạng mục nhà đa năng còn nợ khi công nhận đạt chuẩn năm 2024.
Lê Dũng