Chiều 15/10, ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã ký quyết định thu hồi bằng
Công nhận làng nghề dệt chiếu An Phước (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) từng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống tại quyết định đã ký ban hành hồi năm 2004.
Lý do thu hồi: Danh hiệu là làng nghề này không đảm bảo các tiêu chí quy định tại Quyết định số 43/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh Quảng Nam về công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, làng nghề này không phát triển, không còn tạo ra sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc, không còn nghệ nhân gắn với nghề để truyền đạt lại nghề cho thế hệ sau…
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND H.Duy Xuyên thực hiện thu hồi bằng công nhận, báo cáo tỉnh để tổng hợp, theo dõi; Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với H.Duy Xuyên cập nhật danh sách các nghề, làng nghề,
Làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện quyết định này.
Trải qua bao thế hệ, người làng An Phước đã có tay nghề dệt nhiều loại chiếu khác nhau như: Chiếu bông, chiếu bông lơi, chiếu xiêm... Chiếu làng An Phước có hoa văn sắc sảo, màu sắc hài hòa, cân đối.
Ngày 26/10/2004, UBND tỉnh Quảng Nam công nhận làng nghề truyền thống đối với làng nghề đan chiếu An Phước.
Điều đáng nói, những năm gần đây thu nhập từ nghề dệt chiếu ít ỏi khiến nhiều người không còn mặn mà, lần lượt bỏ nghề khiến nghề dệt chiếu truyền thống An Phước đang đứng trước nguy cơ mai một.
Làng nghề dệt chiếu truyền thống An Phước có tuổi đời hơn 500 năm. Tương truyền, khi các vị tiền nhân từ Thanh Hóa theo hành trình mở cõi phương Nam đã phát hiện vùng đất đai trù phú An Phước và trồng cói, làm nguyên liệu dệt nên những chiếc chiếu đầu tiên. Cùng với làng chiếu Bàn Thạch (Duy Vinh), An Phước (Duy Phước) cũng có một thời nhộn nhịp với những ruộng đay, lác xanh ngút ngàn. Những chiếc chiếu lác theo thương thuyền đến tận La Vang. Nhiều gia đình làm nên cơ nghiệp từ nghề dệt chiếu lác.
Lê Dũng