Quảng Nam: Xây dựng thương hiệu rau an toàn - Hình 1

Sản phẩm rau sạch của nông dân Quảng Nam được sản xuất theo hướng công nghệ cao

Đầu năm 2018, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành triển khai thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn có hệ thống tưới phun ở 2 điểm với diện tích 0,5ha tại vườn nhà ông Phạm Chiến (thôn Đức Bố 1, xã Tam Anh Bắc) và ông Dương Thanh Phúc (thôn An Tây, xã Tam Quang).

Các loại rau quả trồng theo mô hình gồm các giống mới có tiềm năng là bí đỏ F1 Trang nông TN6, TN332, bí đao F1 Trang nông TN98, dưa leo F1 Trang nông TN333, TN698 và rau các loại. Mô hình được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 12 năm nay, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cử cán bộ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình trồng, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh đồng thời hỗ trợ 100% giống và một phần phân bón, kinh phí xây dựng hệ thống tưới phun.

Ông Phạm Chiến chia sẻ: “Năm nay, thời tiết vụ thu diễn biến khó lường, lúc mới gieo trồng thì gặp nắng nóng, lúc cây ra hoa quả thì ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, nhiều cơn mưa to bất chợt ở giai đoạn cây ra hoa nên ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng đậu quả. Tuy nhiên, nhờ có sự chăm sóc theo quy trình hướng dẫn và hệ thống tưới phun nên hiệu quả đem lại khá, nên duy trì và nhân rộng mô hình này”.

Dù thời tiết năm nay có mặt không thuận nhưng thực tế cho thấy mô hình “sản xuất rau an toàn có hệ thống tưới phun”, các loại cây rau sinh trưởng và phát triển tương đối tốt, thời gian cho thu hoạch sớm, số nhánh, hoa, quả trên cây nhiều, khả năng cho năng suất khá. Mặc dù chi phí đầu tư sản xuất rau an toàn hơi cao, nhưng tổng thu nhập cũng cao hơn so với sản xuất cây trồng khác trên cùng chân đất.

Qua tính toán, thu hoạch 1 sào dưa leo trồng theo mô hình sẽ đạt khoảng 1.500kg, trừ chi phí còn lãi hơn 4,7 triệu đồng; 1 sào bí đỏ đạt 1.100kg quả, lãi hơn 6,1 triệu đồng; 1 sào bí đao thu 1.500kg quả, lãi gần 4,8 triệu đồng... Đó là chưa kể bán ngọn bí đỏ cũng có nguồn thu đáng kể.

Quảng Nam: Xây dựng thương hiệu rau an toàn - Hình 2

Rau an toàn ở Tam Anh Bắc

Kỹ sư Trần Văn A - cán bộ Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho biết: “Việc ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ mới vào canh tác rau theo mô hình chưa cao nhưng năng suất của dưa leo đạt 1,5 tấn/sào, bí đỏ: 1,1 tấn/sào, bí đao: 1,5 tấn/sào là mức khá cao so với sản xuất thực tế tại địa phương.

Thêm vào đó, rau xuất bán trong vụ thu - đông có giá bán cao. Ngoài hiệu quả về kinh tế, điều quan trọng là mô hình giúp nông dân tiếp cận giống mới, kỹ thuật, công nghệ sản xuất mới và nhất là quy trình sản xuất rau an toàn, góp phần thay đổi tập quán sản xuất cũ, lạc hậu, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Qua đó tạo ra sản phẩm sạch đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Đây là mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững mà huyện Núi Thành đang hướng đến”.

Từ thực tế, kỹ sư Bùi Văn Gát – Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành cho biết: “Mô hình sản xuất rau an toàn có hệ thống tưới phun là mô hình mới sản xuất có hiệu quả và thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình sử dụng các loại giống mới năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, ít sâu bệnh... nông dân có thể mạnh dạn đưa vào sản xuất.

Núi Thành có lợi thế rất lớn về tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nhân lực và thị trường tiêu thụ ngày càng cao của một huyện công nghiệp có Khu kinh tế mở Chu Lai, trong thời gian đến, chúng tôi sẽ vận động các địa phương thực hiện các mô hình trồng các loại rau, hướng đến xây dựng thương hiệu rau an toàn để phục vụ nhu cầu cho gia đình, địa phương và liên kết cung cấp sản phẩm ra thị trường trong, ngoài huyện, trước hết là các doanh nghiệp có đông công nhân trên địa bàn”.

Mộc Thảo