Khu Bệnh xá Đặng Thùy Trâm
Đây là nơi khám, chửa bệnh có mô hình đặc biệt. Bởi lần đầu tiên trong hệ thống khám, chửa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên toàn quốc, ngoài việc thực hiện công tác khám, chửa bệnh cho nhân dân trong vùng, Bệnh xá còn là địa chỉ thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi năm.
Bệnh xá Đặng Thùy Trâm được xây dựng trên diện tích 3.900m2, gồm các khoa chức năng: Nội, nhi, sản, răng- hàm - mặt, y tế cộng đồng, y tế dự phòng, sơ cấp cứu ban đầu.Với quy mô 10 giường bệnh và đầy đủ trang thiết bị y tế, đảm bảo việc khám, điều trị cho hơn 40.000 người dân địa phương. Hiện sử dụng giường của bệnh xá luôn hết công suất, điều này không những giảm bớt phần áp lực, quá tải cho y tế tuyến trên mà còn giảm chi phí cho người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo.
Một góc của Bệnh xá Đặng Thùy Trâm
PV TH&CL tại Bệnh xá Đặng Thùy Trâm
Năm 1966, sau khi tốt nghiệp trường đại học Y khoa Hà Nội. Đặng Thùy Trâm mang theo sức trẻ, ý trí chiến đất cùng những hoài bão của tuổi trẻ, cô đã xung phong nhận nhiệm vụ của một thầy thuốc ở chiến trường Miền Nam. Nơi công tác của cô thời bấy giờ là: Bệnh viện huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, trong khi làm nhiệm vụ tại địa bàn đã bị địch phục kích và anh dũng hy sinh vào năm 1970 khi còn rất trẻ, chỉ mới chưa tròn 28 tuổi đời với 3 năm tuổi nghề và 2 năm tuổi Đảng. Nhân dân địa phương đã an táng chị ngay tên mảnh đất mà chị đã hy sinh và được gia đình cải táng về nghĩa trang Liệt sĩ xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Thủ đô Hà Nội.
Bức tượng bác sĩ Đặng Thùy Trâm được đặt trước khu bệnh xá
Bên trong có một nơi dành riêng để nhang khói cho bác sỹ Đặng Thùy Trâm.
Nhật ký của Đặng Thùy Trâm gồm 2 tập, được chị viết từ ngày 8 tháng 4 năm 1968 (khi phụ trách Bệnh xá Đức Phổ) cho đến ngày 20 tháng 6 năm 1970 (2 ngày trước khi hy sinh). Hai tập nhật ký này được Frederic Whitehurst – cựu sỹ quan quân báo Hoa Kỳ nhặt được tại chiến trường Quảng Ngãi và lưu giữ suốt 35 năm cho đến ngày được trả lại cho gia đình tác giả vào cuối tháng 4 năm 2005. Cuốn nhật ký của chị sau đó đã được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản thành cuốn sách mang tên “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Tác phẩm lần lượt được dịch ra nhiều thứ tiếng, xuất bản ở nhiều quốc gia, làm cho hình ảnh của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trở nên quen thuộc với bạn bè quốc tế, trở thành biểu tượng sáng ngời cho tinh thần đấu tranh bất khuất và khát vọng hòa bình của thế hệ trẻ Việt Nam.
"Nhật ký Đặng Thùy Trâm"
"Nhật ký Đặng Thùy Trâm" bản dịch tiếng Nga - mang tên "Nhật ký chiến tranh"
Trước đây, có lẽ, vì đọc được những dòng nhật ký “đầy lửa” của Đặng Thùy Trâm nên thông dịch viên Nguyễn Trung Hiếu đã phải khuyên sĩ quan quân báo Mỹ Frederic Whitehurst “Đừng ném cuốn nhật ký vào lửa vì trong đó đã có lửa rồi”…
Liệt sĩ-Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942, là người con của quê hương Thừa thiên-Huế, nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Cha là Bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là Dược sĩ Doãn Ngọc Trâm-nguyên là giảng viên Trường Đại học Dược khoa, Hà Hội. Khu di tích lịch sử văn hoá bao gồm: Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ cùng các điểm di tích lịch sử gắn liền với hoạt động của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong chiến tranh như: Trạm phẫu thuật tiền phương ở núi Bộng Dầu, thôn Quy Thiện, xã Phổ Khánh; hầm bí mật tại vườn nhà y sĩ Tạ Thị Ninh ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường; Bệnh xá Đức Phổ tại đồi gò Chày thôn Đồng Răm 1, xã Ba Khâm; Bệnh xá Đức Phổ tại thôn Nước Đang ở xã Ba Trang (huyện Ba Tơ ).
Hoàng Hữu Quyết