Đầu tư tiền tỷ bồi thường tiền trăm?
THCL nhận được đơn thư của 11 hộ dân có hộ khẩu cư trú tại xã Quảng Nghĩa, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Theo đơn thư, các hộ dân này cho biết, diện tích đất mà họ đang sử dụng là đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đất trồng lúa, đất trồng rừng... có nguồn gốc từ khai hoang nhiều năm trước như 1988, 1997, 2004, 2007, 2008. Tuy nhiên, khi UBND thành phố Móng Cái thu hồi đất để phục vụ dự án Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái thì cơ quan quản lý nhà nước này lại không thực hiện bồi thường, hỗ trợ đúng theo quy định của pháp luật.
Khu đất nhà bà Tình bị cưỡng chế.
Cụ thể, hộ gia đình nhà bà Vũ Thị Tình có 23.718,1m2 đất nông nghiệp, trong đó có 14.096,7m2 diện tích đất nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại xã Quảng Nghĩa bị chính quyền thu hồi để làm Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
“Tòan bộ diện tích đất trên gia đình tôi sử dụng hợp pháp có nguồn gốc từ khai hoang từ năm 1991, đến năm 2008 thì cải tạo và sử dụng nuôi tôm thời điểm khởi tạo và bắt đầu từ sử dụng từ năm 2008 (theo Biên bản kiểm tra hiện trạng ngày 12/6/2017) và được các cấp chính quyền cho phép NTTS và chúng tôi sử dụng đúng mục đích.” Bà Tình cho biết.
Cũng theo bà Tình, thì việc gia đình sử dụng diện tích đất trên đều được các cấp chính quyền địa phương ủng hộ và cho phép. Mặt khác gia đình bà xây dựng trạm biến áp và được cấp điện với số tiền đầu tư lên 1,5 tỷ đồng, không bị chính quyền địa phương phản đối hay xử phạt vi phạm.
Đầu tư là vậy, thế nhưng tới khi có phương án đền bù giải phóng mặt bằng, thì bà Tình cũng như các hộ dân đều đi từ lo lắng tới bất ngờ vì số tiền được đền bù chỉ nhận được lại vài trăm triệu đồng, thậm chí chỉ hàng chục triệu đồng kèm theo đó, nhiều quyền lợi của các hộ dân đều không được đảm bảo đúng quy định.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 02/4/2018 UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định 1036/QĐ-UBND về phê duyệt giá đất, cụ thể để bồi thường GPMB dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (đoạn qua thành phố Móng Cái) không quy định đất NTTS ven biển đối với xã Quảng Nghĩa mà chỉ có loại đất ao, đầm nội địa có giá là: 23.000đồng/m2 nhưng UBND TP Móng Cái không áp giá ao nội địa cho các hộ như trên mà chỉ áp giá ao đầm ven biển là 10.000đồng/m2 và người dân chỉ được nhận hỗ trợ 30% của giá 10.000đồng/m2?
Chính quyền xử lý thế nào?
Cũng theo phản ánh của các hộ dân, từ ngày 27/7/2017 UBND thành phố bắt đầu thông báo thu hồi đất.
Năm 2018, sau khi thành phố ban hành phương án bồi thường, hỗ trợ, bà con nhân dân đã không đồng ý với phương án trên và đã có nhiều đơn thư phản ánh, kiến nghị từ cấp xã đến cấp thành phố và cấp tỉnh nhưng không được giải quyết?!
Mặc dù có chủ trương thực hiện dự án và phát thông báo thu hồi đất từ 27/07/2017 thế nhưng, đến tận ngày 17/3/2019 mới được tổ chức đối thoại với người dân.
“Nói là đối thoại, nhưng thực tế là họ làm việc với dân, cho từng hộ vào đóng cửa riêng để yêu cầu người dân bàn giao đất, chứ không phải là để lắng nghe những khúc mặt của người dân”, bà Tình cho hay. Cùng với đó, khi các hộ dân muốn mời Luật sư đến làm việc với Ủy ban trong buổi đối thoại này thì chính quyền không đồng ý, tuy nhiên Ủy ban lại cho Luật sư do Ủy ban thuê đến tham dự”, Bà Tình bức xúc nói.
Sau những bức xúc của người dân ngày 27/3/2019, UBND thành phố tổ chức buổi đối thoại trong buổi họp có đủ thành phần, các cơ quan chuyên môn của Ủy ban thành phố cũng như tỉnh Quảng Ninh.
Tại buổi họp các cơ quan đã thấy những bất cập, sai sót và những cơ sở pháp lý cũng như thực tế (bà con sống và làm nghề nông từ nhiều đời, từ nhiều thế hệ, chính quyền địa phương khuyến khích, và phù hợp với mô hình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, đầu tư là đầu tư thật, làm là làm thật, không phải người nơi khác đến đầu tư nuôi trồng thủy sản để trục lợi) để giải quyết cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, sau cuộc đối thoại 01 ngày, UBND thành phố không tiếp thu, ghi nhận ý kiến để giải quyết những quyền lợi hợp pháp cho bà con nông dân mà ban hành luôn thông báo cho bà con vào ngày 28/3/2019 là tất cả nội dung của các hộ đều không có cơ sở giải quyết?!
Luật sư nói gì?
Trao đổi với PV, Luật sư Mai Thị Dung, Công ty Luật Việt Phương, Hà Nội cho rằng, việc áp dụng giá này cho các hộ dân là bất hợp lý và không có cơ sở.
“Đất nuôi trồng thủy sản của các 11 hộ dân, đặc biệt của gia đình bà Tình ở phía trong đê quốc gia, và được đào đắp, khởi tạo, đổ nền bê tông, bên cạnh còn có ruộng lúa, đồng cỏ và xung quanh là đồi núi. Thực tế với vị trí thực địa, địa điểm khu vực ao đầm của các hộ dân như thế không thể xem là đầm ven biển được”, luật sư Dung nói.
Theo LS Mai Thị Dung, với vị trí thực địa, địa điểm khu vực ao đầm của các hộ dân như thế không thể xem là đầm ven biển
Cũng theo LS Dung, tại Điều 1 Quyết định số 3238/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 của UBND tỉnh Quảng Ninh quy định giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2019 có nội dung: Giá đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản thì áp dụng theo giá đất NTTS (hồ, đầm nội địa) có cùng vị trí, khu vực.
Bà Dung cho biết thêm, theo Luật đất đai năm 2013, tại khoản 1 Điều 140: Đất có mặt nước ven biển không hề có : Ao, hồ, đầm. Căn cứ vào các cơ sở thực tế và pháp lý nêu trên, ao, đầm của các hộ dân phải được xem là ao, đầm nội địa và bồi thường, hỗ trợ theo giá 23.000 đồng/m2 đối với loại ao, đầm nội địa chứ không phải loại ao, đầm ven biển có giá là 10.000 đồng/m2.
Theo quan điểm của 11 hộ dân xã Quảng Nghĩa, TP. Móng Cái thì họ hoàn ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc làm mới, nâng cấp các cơ sở hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên chính quyền địa phương cần bám sát thực thế để có phương án đền bù, bồi thường thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi của người dân.
Đề nghị chính quyền tỉnh Quảng Ninh kiểm tra giải quyết dứt điểm tình trạng trên, đảm bảo đời sống ổn định cho người dân.
Trần Trang