23,24 ha rừng sú vẹt chết trắng trên diện rộng
Theo ghi nhận của PV THCL , trên địa bàn hai xã Bình dân và xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh hàng chục ha rừng ngập mặn có dấu hiệu khô cằn và có nguy cơ chết trắng trên diện rộng.
Hơn 20 ha sú vẹt chết khô trắng
Trước mắt PV là cả cánh rừng ngập mặn bị “khô máu” với hàng vạn cây sú vẹt chết khô, trơ hết cả gốc, nhiều người dân đã tận dụng những cây sú vẹt chết khô để làm củi.
“Trước kia khu này là cả một cánh rừng ngập mặn xanh mượt, thế nhưng, từ lúc có dự án, chủ đầu tư đổ đất cắt ngang làm đường, nơi này trở thành rừng củi khô.” Chị Nguyễn Thị Nga – Người dân đang bắt ốc chia sẻ.
Trao đổi về hiện trạng hàng chục ha rừng sú vẹt chết trắng, Ông Lý Văn Khương – Bí thư, Chủ tịch xã Bình Dân cho biết, sau khi phát hiện hiện tượng trên từ năm 2017, xã đã báo cáo huyện, tỉnh tuy nhiên đến thời điểm hiện tại cũng không biết xử lý thế nào.
“Nguyên nhân được xác định là do đắp đường chặn dòng thủy triều lên xuống dẫn đến cây bị chết héo hàng loạt” Ông Khương cho hay.
Cũng theo ông Khương khu vực rừng ngập mặn bị chết nằm ở phía Tây khu vực dự án.
Hệ sinh thái rừng ngập mặn bị tàn phá có nguy cơ mất trắng
Hơn 20 ha rừng bỗng dưng “chết yểu” do làm đường công vụ
Theo tài liệu PV báo THCL, tại biên bản kiểm tra hiện trạng rừng ngập mặn trên địa bàn xã Đoàn Kết, và xã Bình Dân huyện Vân Đồn ngày 7/7/2017 có nêu: Hạt Kiểm lâm Vân Đồn phối hợp với UBND các xã Đoàn Kết, Bình Dân tiến hành khảo sát hiện trường thực tế cho thấy tại khoảnh 7 tiểu khu 194, khu vực Đồng Đầm tròn thuộc thôn Đầm Tròn, xã Bình Dân nơi công trường đang thi công làm đường, rừng ngập mặn đang có hiện tượng chết héo và chết hàng loạt. Tính tới thời điểm tháng 7/2017 diện tích rừng ngập mặn và cây bị chết héo khoảng 9,88ha là rừng phòng hộ do xã quản lý.
Dự án làm đường công vụ đi qua rừng ngập mặn đồng thời đã chặn dòng hải lưu từ biển đổ vào
Còn tại lô 1, khoảnh 1, tiểu khu 195 thuộc khu Đồng Rộc, thôn Cây Thau, xã Đoàn Kết hiện tượng rừng ngập mặn bị chết hàng loạt như trên cũng diễn ra với diện tích khoảng 13,36ha, là rừng phòng hộ do xã quản lý.
Tại biên bản cũng khẳng định: Kiểm tra khu vực lân cận cho thấy do dự án làm đường công vụ đi qua rừng ngập mặn đồng thời đã chặn dòng hải lưu từ biển đổ vào do vậy nước trong đầm không lưu thông được dẫn tới cây rừng bị chết.
Toàn bộ cánh rừng ngập mặn bị đường chở đất công vụ cắt ngang, chặn dòng thủy triều lên xuống
Nguyên nhân bước đầu được xác định là do thi công đường công vụ qua rừng ngập mặn đã chặn dòng nước lưu thông dẫn tới cây rừng bị chết héo hàng loạt. Toàn bộ diện tích rừng ngập mặn bị chết héo theo quy hoạch 3 loại rừng là rừng phòng hộ do UBND xã quản lý.
Nội dung trong biên bản cũng khẳng định: tổng diện tích rừng ngập mặn tại hai xã Bình Dân, xã Đoàn Kết bị chết ước tính khoảng 23,24ha.
Hệ sinh thái rừng ngập mặn bị tàn phá có nguy cơ mất trắng
Nắm rõ vai trò quan trọng của rừng ngập mặn trong cuộc sống, đặc biệt là vai trò trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, nhiều năm qua, cả nước ta đang chú trọng đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ và phát huy rừng ngập mặn. Đặc biệt, ngày 22/02/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 120/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 nhằm phát huy chức năng phòng hộ của rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ hệ thống đê biển, cơ sở hạ tầng, bảo tồn đa dạng sinh học; góp phần phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia.
Theo đó, trong thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” vì thế vấn đề phát triển cùng với bảo vệ môi trường luôn được tỉnh này nâng cao. Đặc biệt,Quảng Ninh đã đề ra một chủ đề công tác năm mang tên “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”, tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà tỉnh này lại đánh đổi một dự án kinh tế thay vì sự sống của hàng chục ha rừng ngập mặn? Liệu rằng, chính quyền địa phương có vô can trong việc này, có lẽ câu hỏi nên dành cho các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh?
Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và có biện pháp xử lý trả lại lá phối xanh bảo vệ môi trường biển và đời sống của nhân dân.
Theo Khoản 2, Khoản 3, Điều 20, Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017 quy định: “Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha; rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 ha đến dưới 50 ha; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20 ha đến dưới 500 ha; rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20 ha; rừng sản xuất dưới 50 ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư.”
Cũng theo Điểm a, Khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai năm 2013 thì “Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi có một trong các văn bản sau đây: Văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 héc ta đất trồng lúa trở lên; từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên".
Nhóm PV