Nhiều loại phí bao vây du khách đến Di tích Yên Tử
HĐND tỉnh Quảng Ninh vừa chấp thuận tổ chức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Khu di tích Yên Tử (TP. Uông Bí, Quảng Ninh) từ ngày 1/1/2018 tới đây với mức thu 40.000 đồng/lần/người lớn và 20.000 đồng/lần/trẻ em. Trong tổng số tiền từ việc thu phí trên, 80% sẽ được nộp về ngân sách nhà nước, 20% được trích lại cho Ban QLDT và rừng quốc gia Yên Tử làm công tác chuyên môn.
Khu di tích Yên Tử
Nhưng vừa mới được chấp thuận về việc thu phí tham quan, tỉnh Quảng Ninh lại nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận về việc thu phí này.
Cụ thể, theo tìm hiều của PV được biết: Một số người cho rằng, việc thu phí tham quan di tích Yên Tử là cần thiết bởi sẽ góp phần trùng tu tôn tạo, nâng cao các hoạt động dịch vụ, đảm bảo an ninh trật tự, cảnh quan môi trường và tạo sự yên tâm cho du khách khi về tham quan vãng cảnh tại Yên Tử.
Nhiều ý kiến khác lại cho rằng, việc thu phí tham quan danh thắng Yên Tử sẽ dẫn đến hiện tượng phí chồng phí bởi hiện nay, tại Khu di tích Danh thắng Yên Tử đã có nhiều dịch vụ thu phí như phí cáp treo, phí xe điện, phí gửi xe…Đồng thời, dẫn đến cảnh ùn tắc bởi trước đây tình trạng ùn tắc tại cáp treo, “vỡ trận” tại bãi xe đã từng xảy ra ở những thời điểm có đông du khách.
Ngoài ra, Yên Tử không chỉ là thắng cảnh, mà nơi đây còn hiện diện nhiều công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng và là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm từ thế kỷ XIII. Trong đó, có rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng. Nhà chùa là nơi mở rộng cửa với người dân, việc thu phí tham quan như vậy là ngăn cản người dân đến cửa chùa. Còn phật tử bốn phương hành hương về Yên Tử với niềm tin tôn giáo, niềm tin với Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, chứ không mấy ai đến Yên Tử chỉ để vãn cảnh.
Tại buổi họp báo thông báo kết quả kỳ họp HĐND tỉnh, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh – Nguyễn Xuân Ký cho rằng, việc thông qua Nghị quyết về thu phí tham quan danh lam thắng cảnh Yên Tử là thực hiện đúng luật.
Ông Trần Văn Lâm, Bí thư Thành ủy Uông Bí khẳng định, chính quyền TP. Uông Bí thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo luật định, không can thiệp vào tâm linh, tín ngưỡng.
Không làm thương mại hóa tại Yên Tử
Trao đổi với PV, Phó chủ tịch UBND TP. Uông Bí - Phạm Tuấn Đạt khẳng định, việc thu phí tham quan Khu di tích Yên Tử sẽ không ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích cũng như việc lượng khách đến tham quan Yên Tử.
Trụ sở UBND TP. Uông Bí
Ông Phạm Tuấn Đạt cho biết, xuất phát từ thực tiễn có nhiều danh lam, thắng cảnh trên cả nước có việc thu phí, đối với di tích Yên Tử hiện không có nguồn thu gì từ hoạt động quản lý nhà nước tại đây. Từ đó, mới đề xuất với tỉnh thu phí tham quan Yên Tử phục vụ công tác quản lý nhà nước và công tác trùng tu tôn tạo.
“Những năm trước, bằng các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, tỉnh, thành phố, toàn bộ hạ tầng cơ sở, đường điện, bãi đỗ xe... Sau đó, doanh nghiệp vào thì họ chủ yếu đầu tư những hạng mục mà họ thu phí được thôi. Hoạt động của Ban QLDT và rừng quốc gia Yên Tử với hơn 60 con người, hàng năm ngân sách thành phố chi ra khoảng 7 - 8 tỷ đồng”, ông Phạm Tuấn Đạt nêu lý do của việc thu phí tham quan.
Để thực hiện việc thu phí tham quan di tích Yên Tử, Phó chủ tịch UBND TP. Uông Bí - Phạm Tuấn Đạt cho biết, năm 2016, thành phố cũng đã tổ chức một hội nghị lấy ý kiến với sự tham gia của hơn 300 đại biểu gồm lãnh đạo HĐND, UBND, các ban, ngành, lãnh đạo các xã phường, đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh; lãnh đạo Công ty CP Phát triển Tùng Lâm. Trong đó, đồng ý thu phí 90,42%, không đồng ý thu phí 8,6% và không có ý kiến gì là 0,9 %.
Nói về việc nhiều ý kiến băn khoăn, việc thu phí có gây phiền hà cho du khách khi về với Yên Tử khi nhiều điểm dừng mua các loại vé phí, Phó chủ tịch UBND TP. Uông Bí - Phạm Tuấn Đạt khẳng định, sẽ không có cảnh ùn tắc do mua vé phí.
“Theo quy hoạch, từ vài năm trước, Công ty Tùng Lâm chuyển bến xe ra ngoài, do vậy có vé phí xe điện, vé cáp treo, vé gửi xe nhưng đó là những loại vé tự nguyện, du khách và phật tử có thể dùng dịch vụ đó hoặc có thể không dùng.
Lần này, chúng tôi sẽ tính toán cùng các đơn vị như Công ty Tùng Lâm sẽ bán vé chung. Một du khách có thể mua một vé, bao gồm cả tham quan danh thắng, đi xe điện, cáp treo… hoặc có thể lựa chọn mức công ứng dịch vụ. Đồng thời, phối hợp với Công ty Tùng Lâm để kiểm soát một thể. Như vậy, sẽ không có cảnh ùn tắc do mua vé” - Phó chủ tịch UBND TP. Uông Bí - Phạm Tuấn Đạt nói.
Nói về việc nhiều địa phương đã bỏ thu phí tham quan thắng cảnh, di tích, trong khi Yên Tử lại triển khai thu, ông Phạm Tuấn Đạt cho biết, trong quản lý thì mỗi địa phương có một quan điểm. Điều kiện bây giờ của tỉnh Quảng Ninh, xét thấy trong công tác quản lý nhà nước, tu bổ di tích cần có sự tham gia đóng góp của du khách hành hương Yên Tử.
Năm 2017, lượng khách đến Yên Tử tham quan, vãn cảnh đạt 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách nước ngoài chiếm một nửa. Trước đây, việc thu phí Yên Tử đã được thực hiện một thời gian như giai đoạn 1986 - 1991, thu từ 300 - 500 đồng/lần/người; năm 1992, thu 1.000 đồng/lần/người; năm 1993 - 1994, thu 2.000 đồng/lần/người; năm 1995 - 1996, thu 5.000 đồng/người/lần. Giai đoạn từ năm 2007, không tổ chức thu phí tham quan Yên Tử và đến tháng 1/1/2018, sẽ tiếp tục thu phí tham quan Yên Tử.
Bùi Tú