Theo Sở GT-VT, tình trạng vi phạm hành lang đường bộ, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi đỗ xe và trông giữ xe đã tồn tại nhiều năm ở hầu hết các trung tâm đô thị trên toàn tỉnh. Một số địa phương có sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè tại các đường đô thị làm nơi đỗ xe, một số vị trí để các cá nhân tự ý tổ chức lấn chiếm lòng đường, hè phố trông giữ xe khi có sự kiện được tổ chức gần đó, trong khi những vị trí này không đảm bảo bề rộng hè phố, số làn đường còn lại theo quy định.
Tại các tuyến đường chính của TP. Hạ Long, nhất là những tuyến đường thuận lợi cho việc kinh doanh, buôn bán, đều xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân sử dụng trái phép vỉa hè làm nơi kinh doanh, họp chợ, tập kết vật liệu xây dựng, để xe máy, ô tô, trưng bày hàng hóa, điển hình như tuyến đường Lê Thánh Tông, đường 25/4, đường Trần Hưng Đạo, tỉnh lộ 336 (Cao Thắng - Hà Lầm), tỉnh lộ 337 (Yết Kiêu - Cao Xanh)... Nhiều tuyến đường, mặc dù đã có biển cấm dừng đỗ xe, nhưng do nhu cầu quá lớn lại thiếu bãi đỗ xe, lực lượng chức năng mỏng, nên các chủ xe ô tô vẫn dừng đỗ trên đường.
Để giải quyết bài toán này, Phòng Quản lý đô thị TP. Hạ Long đã tham mưu cho thành phố nghiên cứu 32 quỹ đất xen kẹp trong khu dân cư tập trung để đầu tư hạ tầng khu vui chơi, cây xanh có kết hợp với bãi đỗ xe, với diện tích 8,7ha, dự kiến đáp ứng được khoảng 1.750 chỗ đỗ (tạm tính 50% diện tích sử dụng đỗ xe). Cùng với đó, phòng Quản lý đô thị TP. Hạ Long đã làm việc với chủ sở hữu các lô đất rộng để sử dụng tạm thời làm bãi đỗ xe trong thời gian chưa đầu tư xây dựng dự án. Cụ thể là 18 quỹ đất lớn chưa sử dụng (7 quỹ đất do thành phố đang quản lý, 11 quỹ đất do các chủ sở hữu quản lý) làm bãi đỗ xe tạm thời, tổng diện tích 42,54ha, đáp ứng được khoảng 17.000 xe.
Theo khoản 4, Điều 1, Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 3/9/2013 của Chính phủ, chỉ được phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố để trông giữ xe khi đảm bảo các điều kiện: Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m; phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe thô sơ cho một chiều đi. Về mức phí thu: HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 62/2017/NQ-HĐND ngày 7/7/2017 trong đó quy định mức thu đối với việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.
Để kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định số 100/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 62/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, Sở GT-VT đã có văn bản số 2464/SGTVT-QLKCHT&ATGT (ngày 26/5/2023) yêu cầu các địa phương trên toàn tỉnh rà soát, thống kê những vị trí tuyến đường, hè phố do địa phương quản lý đủ điều kiện cho phép tổ chức sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố; thống kê hiện trạng các vị trí tuyến đường, hè phố địa phương đang tổ chức sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố.
Trên cơ sở nội dung báo cáo của các địa phương, Sở GT-VT tổ chức kiểm tra, rà soát và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo dựa trên cơ sở đề xuất của địa phương và yếu tố hình học của các vị trí tuyến đường, chốt những vị trí đủ điều kiện để các địa phương tổ chức sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố làm nơi trông giữ xe. Việc tổ chức thu phí đảm bảo theo đúng mức phí đã được HĐND tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết số 62/2017/NQ-HĐND. Đối với việc tự ý lấn chiếm lòng đường, hè phố để trông giữ xe, yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra, xử phạt theo quy định.
Thời gian qua, lực lượng chức năng trên toàn tỉnh đã quyết liệt xử lý xe ô tô đỗ không đúng nơi quy định. Năm 2023, lực lượng CSGT trực tiếp và phối hợp xử lý 12.269 trường hợp, phạt tiền 7,3 tỷ đồng về vi phạm trật tự đô thị.
Trần Trang (t/h)