Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 26/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự án Luật này.

Kết quả biểu quyết cho thấy: có 445/450 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92.13% tổng số đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, với đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi).

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi của đại biểu Quốc hộiKết quả biểu quyết thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi của đại biểu Quốc hội

Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Luật Chứng khoán (sửa đổi) có bố cục gồm 10 Chương, 135 Điều, quy định về các hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chứng khoán; tổ chức thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Đối tượng áp dụng của Luật gồm: các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia đầu tư chứng khoán và hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam; cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Bảo Lâm