Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến đồng ý với mục tiêu tổng quát như dự thảo Nghị quyết. Một số ý kiến đề nghị nhấn mạnh về chủ quyền biển, đảo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, bổ sung để nhấn mạnh tầm quan trọng của nội dung này trong mục tiêu tổng quát. Có ý kiến đề nghị nhấn mạnh công tác quản lý đất đai, bổ sung nội dung “nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật”.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, có ý kiến đề nghị quyết định chỉ tiêu GDP tăng từ 6,8% trở lên, ý kiến khác đề nghị chỉ tiêu này nên trong khoảng từ 6,7-6,8%, không ghi "khoảng 6,8%".

Các chỉ tiêu chủ yếu được đề ra gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) dưới 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP.

Quốc hội thôngQuốc hội thông qua Nghị quyết kinh tế, xã hội năm 2020

Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đặt ra chỉ tiêu số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%.

Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2020, Quốc hội cơ bản tán thành nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị trong các báo cáo thẩm tra, giám sát chuyên đề.

Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Kết luận số 63-KL/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019; phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa, phấn đấu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020;

Cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Quốc hội yêu cầu các bộ, ngành, địa phương huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị;

Đẩy nhanh tiến độ đường bộ cao tốc Bắc - Nam, giải phóng mặt bằng cho Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và thực hiện các dự án giao thông quan trọng, cấp bách, có tính kết nối, lan tỏa vùng, miền;

Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng, cơ cấu ngành nghề hợp lý; có cơ chế phù hợp thu hút, trọng dụng nhân tài; chú trọng bảo tồn, phát triển văn hóa, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Quốc hội lưu ý Chính phủ và các cơ quan liên quan ưu tiên bố trí nguồn lực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, diện tích rừng tự nhiên hiện có; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí; củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới;

Giữ vững ổn định chính trị, xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công tác thông tin, báo chí, truyền thông; phát triển hiệu quả, lành mạnh hệ thống báo chí; chủ động, kịp thời cung cấp, tiếp nhận thông tin phản ánh của doanh nghiệp, người dân, nhất là trong đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí...

Hoan Nguyễn