Tham dự buổi làm việc có đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa, UBND TPHCM, Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ và các đại biểu là những cựu học sinh miền Nam tập kết.
Phát biểu tại buổi họp, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết năm 2014, tại lễ kỷ niệm 60 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tổ chức tại Cảng Lạch Hới, phường Quảng Tiến (TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa), nơi đón những chiếc tàu đầu tiên, ý tưởng xây dựng một khu lưu niệm trong đó có tượng đài “Con tàu tập kết” đã hình thành.
Năm 2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Khu Lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại phường Quảng Tiến với tổng mức đầu tư hơn 290 tỷ đồng, diện tích quy hoạch dự án gần 38 ha. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư lớn, vốn ngân sách được duyệt 18 tỷ đồng, phần còn lại xã hội hóa nhưng việc huy động khó khăn nên dự án chưa triển khai được các bước tiếp theo.
Đến nay, được sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, sự phối hợp của Ban liên lạc các thế hệ học sinh miền Nam toàn quốc, nhằm đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tế, dự án đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, được HĐND tỉnh Thanh Hóa thông qua Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 9/2020 với mức đầu tư sau điều chỉnh khoảng 255 tỷ đồng.
Quy mô dự án hiện nay gồm có khu A - Khu đón tiếp có diện tích khoảng 1,3 ha, với các hạng mục như tượng đài “Con tàu tập kết” và phù điêu lớn hình cánh cung. Đây là công trình biểu tượng và điểm nhấn cho toàn khu với ý nghĩa thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, sự chào đón nồng hậu gắn với ý nghĩa sự kiện tập kết ra Bắc. Cùng với hạng mục tượng đài, tại khu A còn có Nhà trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu, kỷ vật, phòng chiếu phim tư liệu và không gian cảnh quan, cây xanh…
Dự án còn có khu B (Khu lán trại) với diện tích khoảng gần 2.000 m2, gồm 3 nhà lán trại mô phỏng nơi ăn ở, sinh hoạt của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam; khu Công viên chuyên đề, trưng bày chuyên đề lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ngoài trời… với diện tích khoảng 2,5 ha. Ngoài ra, dự án còn có hạng mục “Con đường ký ức” với chiều dài khoảng 1,4 km và một số tuyến đường giao thông liên quan khác.
Ông Mai Xuân Liêm cũng cho biết, nếu các nội dung chuẩn bị đầu tư thuận lợi, dự kiến công trình sẽ được khởi công vào quý 3/2021 và hoàn thành trong năm 2022.
Ông Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết, sự kiện đón những chuyến tàu đưa đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết tại phường Quảng Tiến, (TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) có ý nghĩa lịch sử. Do đó, việc xây dựng công trình tượng đài tại Khu Lưu niệm là cần thiết và rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, đồng thời với việc chuẩn bị đầu tư, tỉnh Thanh Hóa cần triển khai lập hồ sơ đề nghị các cấp thẩm quyền xếp hạng di tích.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao việc UBND tỉnh Thanh Hóa và Ban liên lạc các thế hệ học sinh miền Nam toàn quốc đã nỗ lực để khởi động lại dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra miền Bắc.
Trên cơ sở những phát biểu góp ý của các đại biểu tham dự, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa cần tiếp thu ý kiến các đại biểu, nhất là ý kiến của các cán bộ tập kết tham dự cho sát thực tế, đồng thời lấy ý kiến các cơ quan liên quan để nhanh chóng triển khai các bước tiếp theo đúng quy định, sớm khởi công công trình.
Về nguồn vốn, Phó Thủ tướng gợi ý cùng với vốn ngân sách, cần xã hội hóa, từ đóng góp của một số địa phương, các tổ chức, Ban liên lạc các thế hệ học sinh miền Nam toàn quốc.
Hoài Thu