Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, quý 4/2023, cả nước có 250.226 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 41.124 người so với quý 3, song nếu so với cùng kỳ năm 2023 thì số này vẫn tăng thêm hơn 36.800 người.
Trong đó, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý 4 là 255.473 người, hơn 5.000 người được hỗ trợ học nghề, trên 609.000 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm.
Nhóm lao động không có bằng cấp chứng chỉ vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất là 64,5% (giảm nhẹ so với quý 3 - 65%); 15,4% có trình độ đại học trở lên, tương đương quý 3. Có 7,5% số người hưởng có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp (tăng nhẹ so với quý 3 - 7%). Nhóm người hưởng có trình độ cao đẳng cũng tăng nhẹ, chiếm 6,5%, trong khi con số này ở quý 3 là 6,3%; nhóm có trình độ trung cấp chiếm trên 6%, tương đương với quý 3.
Xét theo nhóm ngành, có 5 nhóm ngành mà có lượng người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất bao gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; nhóm hoạt động dịch vụ khác; nông nghiệp, lâm nghiệp, và thủy sản; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; và nhóm ngành xây dựng.
Theo dự báo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong quý 1/2024, khoảng 51,7 triệu người có việc làm; tăng thêm 217.000 người so với quý 4. Một số ngành dự báo tăng thêm việc làm, như sản xuất chế biến thực phẩm, tăng 1,8%; sản xuất thiết bị điện, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,6%.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến bất lợi của tình hình thế giới, khu vực; tăng trưởng kinh tế, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư... tiếp tục gặp nhiều thách thức.
Một số ngành dự báo sẽ giảm việc làm như hoạt động xây dựng chuyên dụng, sản xuất thiết bị điện…Do đó, tình trạng thiếu việc làm, mất việc vẫn có thể xảy ra.
PV (t/h)