Tính chung trong 3 tháng đầu năm, số đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 9.942 doanh nghiệp, tăng 23,9% so cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp này sau khi kết thúc thời hạn tạm ngừng sẽ quay trở lại tình trạng hoạt động kinh doanh.
Số tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể của cả nước là 10.694 doanh nghiệp, giảm 11,0% so cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, số hoàn tất thủ tục giải thể trong 3 tháng đầu năm 2017 của cả nước là 3.268 doanh nghiệp, tăng 12,0% so cùng kỳ năm ngoái.
Quý I/2017: 3.268 doanh nghiệp giải thể (Hình minh họa)
Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực như: nông, lâm nghiệp và thủy sản, nghệ thuật vui chơi và giải trí, dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải, kho bãi và khai khoáng.
Theo Tổng cục Thống kê, đến 92% số doanh nghiệp giải thể là có quy mô nhỏ và vừa với vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Chúng ta biết rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa là nền tảng rất quan trọng của cả nền kinh tế, nhưng họ lại là nhóm có nguy cơ phá sản cao nhất trước những biến động của môi trường kinh doanh. Nếu đó còn là những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, thì khả năng duy trì hoạt động sẽ còn thấp hơn nữa.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nếu xét về quy luật thì luôn có những doanh nghiệp mới thành lập để đi vào hoạt động - đó là nguồn lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Ngược lại, thị trường là nơi luôn tồn tại sự cạnh tranh giữa các đơn vị bên cạnh những vấn đề, bất lợi phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp nào đó yếu kém, không thể tiếp tục tồn tại thì đương nhiên phải rút lui khỏi thị trường như một sự tất yếu.
Ngọc Linh