Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về công tác vay, trả nợ công năm 2018 và việc thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ theo Nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, Chính phủ đã cập nhật tình hình của Quỹ Tích lũy trả nợ.

Đáng chú ý trong báo cáo có nhắc đến việc trong năm 2018, Quỹ Tích lũy trả nợ đã phải ứng vốn trả nợ cho Tổng Công ty (TCT) Giấy Việt Nam với số tiền 7,61 triệu EUR (tương đương 8,13 triệu USD), nâng tổng mức ứng vốn lên 82,6 triệu EUR (tương đương 97 triệu USD).

Tuy nhiên, đến hết năm 2018, Bộ Công Thương và TCT Giấy Việt Nam vẫn chưa thể xử lý xong tài sản dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam để thu hồi cho Quỹ Tích lũy trả nợ.

Quỹ Tích lũy trả nợ đã ứng ra 97 triệu USD trả nợ thay cho dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam - Hình 1

Nhà máy Bột giấy Phương Nam

Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam là 1 trong 12 đại dự án thua lỗ, yếu kém của ngành Công Thương, dự án ban đầu được UBND tỉnh Long An phê duyệt đầu tư vào cuối năm 2003 với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Đến nay, sau hơn 15 năm triển khai và rót vào hàng nghìn tỷ đồng, công trình đang được xây dựng phương án thanh lý và phương án trả khối nợ khổng lồ.

Được biết, dự án ban đầu do Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi) làm chủ đầu tư được khởi công năm 2004, tuy nhiên đến tháng 6/2008 thì dừng thi công do thiếu vốn. Vào tháng 6/2009, dự án được chuyển giao từ Tracodi sang TCT Giấy Việt Nam. Sau khi tiếp nhận, TCT Giấy Việt Nam đã tiến hành lập báo cáo điều chỉnh tăng vốn lên 3.409,9 tỷ đồng.

Sau đó, TCT Giấy Việt Nam đã đưa dây chuyền vào chạy thử. Tuy nhiên, khi chạy thử, dây chuyền gặp sự cố, do đó, từ tháng 10/2012 đến nay, dự án dừng hoạt động.

Theo báo cáo, tính đến ngày 31/12/2015, tổng chi phí đầu tư vào dự án là 2.636 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2016, tính cả lãi suất phải trả, tổng nợ phải trả lên tới 2.695 tỷ đồng. Tháng 9/2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đồng ý về chủ trương bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hoá tồn kho của nhà máy.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo TCT Giấy Việt Nam triển khai thực hiện bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy vào tháng 7/2017 (gia hạn 2 lần trong tháng 8 và tháng 9/2017) nhưng không thành công do giá trị thẩm định của dự án theo quy định hiện hành quá cao, và vướng mắc về việc chưa có cơ sở pháp lý trong việc điều chỉnh giá khởi điểm để tiếp tục triển khai bán đấu giá dự án trong trường hợp bán đấu giá lần đầu đầu không thành công.

Tại cuộc họp báo chuyên đề Bộ Tài chính diễn ra vào 28/3/2019, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết Nhà máy Bột giấy Phương Nam được đầu tư thêm 3.000 tỷ đồng để thanh lý, nhưng sau 3-4 lần đấu giá vẫn không có nhà đầu tư mua. Thậm chí, dù bán giá 1.000 tỷ đồng thì vẫn khó có nhà đầu tư nào mua bởi vì nhà máy không hoạt động.

Gần đây nhất, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Báo cáo có nhắc đến dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam của TCT Giấy Việt Nam.

Theo đó, TCT Giấy Việt Nam phối hợp cùng với đơn vị tư vấn đã hoàn thành công tác định giá lại dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam và đã trình Bộ Công Thương phê duyệt kết quả để tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức triển khai bán đấu giá dự án theo quy định, dự kiến trong quý 2/2019.

PV