Các đại biểu thma quan gian hàng trưng bày hàng thật, hàng giả
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày hàng thật, hàng giả

Bên cạnh đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng chỉ rõ, các đối tượng vi phạm thuê người địa phương mang vác nhập hàng theo chính sách cư dân biên giới hoặc lợi dụng đặc điểm địa hình, thời tiết, đêm tối vận chuyển hàng hóa qua sông, suối, đường mòn, lối mở... vẫn còn diễn ra tại một số cửa khẩu biên giới các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nam Bộ.

Tại khu vực cửa khẩu, cảng biển, các đối tượng thường lợi dụng quy định thông thoáng trong việc khai báo xuất nhập khẩu hàng hóa; lợi dụng kho ngoại quan, hệ thống thông quan hàng hóa tự động, để trà trộn hàng giả với hàng chính ngạch, đưa vào nội địa với số lượng lớn.

Các đối tượng cầm đầu chỉ đạo chia nhỏ, phân tán ngay từ khi qua cửa khẩu biên giới về các điểm tập kết trong nội địa, theo đơn hàng, theo nhóm hàng cụ thể để đi các tuyến khác nhau thông qua hệ thống logistics.

Việc lưu chứa tại điểm tập kết trong nội địa không kéo dài thời gian, không cố định tại một địa điểm, nếu có thì được ngụy trang dưới các hình thức hàng hóa khác nhằm đánh lạc hướng chú ý của lực lượng chức năng.

Các đối tượng buôn bán trực tiếp, lưu trữ hàng hóa số lượng không lớn, lợi dụng chung cư, nhà ở để cất giấu hàng hóa nên rất khó bị phát hiện. Không những thông qua thương mại điện tử, thương mại truyền thống mà các đối tượng còn thông qua các cộng tác viên để bán hàng.

Đối tượng thường lợi dụng các địa điểm kho tàng, bến bãi, nơi ít người qua lại để bí mật tổ chức sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhằm đánh lạc hướng sự quan tâm của cộng đồng và cơ quan chức năng. Đối tượng sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ theo công đoạn, theo đơn đặt hàng. Có trường hợp, đối tượng chỉ nhận đơn đặt hàng một lần với số lượng lớn, sau khi hoàn thành đơn hàng thì đóng cửa cơ sở sản xuất. 

Quá trình buôn bán, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin số điện thoại, tài khoản mạng xã hội, thông tin cá nhân nhằm tránh bị cơ quan chức năng theo dõi, phát hiện.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), Nguyễn Đăng Sinh: "Thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lớn đến giá trị chất lượng nguồn lao động, làm giảm cơ hội việc làm, làm suy yếu nền kinh tế và gây ra rủi ro cho sức khỏe và môi trường. Chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử, thương mại truyền thống là vấn đề nan giải - là vấn nạn mà các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng, các địa phương tích cực tập trung nhiều giải quyết"...

Quyết liệt chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ
Quyết liệt chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ

Trước thực trạng trên, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đưa ra các giải pháp đồng bộ đấu tranh, chống vấn nạn này.

Theo đó, đối với các các bộ, ngành, cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản xử lý khó khăn, vướng mắc nêu tại Công văn số 82/BCĐ389-VPTT ngày 28/7/2023 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (rà soát, xử lý khó khăn, vướng mắc trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả);

Các bộ, ngành, địa phương, quan tâm, hướng dẫn thực hiện chi tiết, rõ ràng các văn bản hướng dẫn kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, bảo đảm triển khai thực hiện hiệu quả;

Kiện toàn đội ngũ công chức thực thi, bảo đảm về số lượng, phẩm chất, bản lĩnh, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ;

Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn đối với lĩnh vực chống hàng giả, kỹ năng phân biệt hàng giả, nghiệp vụ chuyên ngành đối với công chức thực thi về quyền sở hữu trí tuệ;

Bổ sung kinh phí mua sắm trang thiết bị, công cụ hỗ trợ, phương tiện chuyên dùng, xây dựng kho bãi bảo quản tang vật, vật chứng; xây dựng trung tâm giám định, kiểm nghiệm vùng;

Tăng cường thời lượng, tần suất tuyên truyền ở các cấp, ở địa phương về sự ảnh hưởng, tác hại của việc sử dụng hàng giả, hàng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến người dân; vận động Nhân dân nói không với hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

Nâng cao khả năng nhận diện cho cơ quan chức năng về phương thức thủ đoạn; chủ động ban hành kế hoạch kiểm tra chuyên đề về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với phương thức thương mại điện tử, nhằm kịp thời chấn chỉnh sai sót, xử lý vi phạm;

Khẩn trương rà soát, định danh thuê bao điện thoại, yêu cầu tổ chức, cá nhân đăng ký đầy đủ thông tin, giảm tối đa sử dụng tài khoản ảo trên mạng xã hội; kiên quyết yêu cầu nhà cung cấp ứng dụng xóa bỏ các tài khoản vi phạm về buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để sử dụng chung; phát triển hạ tầng thiết bị bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; xây dựng hệ thống giám sát, thu thập dữ liệu về giao dịch thương mại điện tử trên nền tảng mạng xã hội, để bổ sung nguồn dữ liệu đầu vào cơ sở dữ liệu tập trung về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; cho phép kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, lực lượng chức năng trong quá trình thực thi công vụ;

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; triển khai áp dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; tiếp nhận, chuyển giao công nghệ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đối với doanh nghiệp, người tiêu dùng, các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng, nền tảng xã hội chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật; tăng cường nhân sự, rà soát, đánh giá rủi ro đối với các tài khoản đăng ký bán hàng; thực hiện cảnh báo, có chế tài xử lý gian hàng đăng ký vi phạm; kiên quyết xóa tài khoản, gỡ sản phẩm vi phạm, thực hiện thông báo rộng rãi để người tiêu dùng biết, tránh rủi ro;

Các doanh nghiệp sản xuất chủ động xây dựng, bảo vệ thương hiệu, thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ chống giả vào sản phẩm; chủ động phổ biến đến người tiêu dùng phương pháp nhận biết hàng giả; loại bỏ tâm lý e ngại đối diện hàng giả sản phẩm của doanh nghiệp;

Chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin, đồng hành cùng lực lượng thực thi kiểm tra, loại bỏ vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả sản phẩm của doanh nghiệp;

Nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng mẫu mã, cơ cấu giá thành hợp lý, để người tiêu dùng có lựa chọn phù hợp với mức tiêu dùng cá nhân; giúp nâng cao ý thức nhận biết, khuyến khích tích cực tham gia các hoạt động xã hội nhằm quảng bá hình ảnh thương hiệu, hàng hóa đến người tiêu dùng;

Tích cực phối hợp lực lượng chức năng tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trang bị thiết bị nhận diện, cảnh báo hàng giả;

Tuyên truyền về cách thức nhận biết hàng giả, hàng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích quần chúng tố giác hành vi vi phạm.

Đối với các hiệp hội, hội ngành hàng, phối hợp các tổ chức kinh tế, các cơ quan thực thi công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp một cách tích cực và hiệu quả hơn;

Chủ động tìm kiếm, chia sẻ thông tin với các lực lượng chức năng về đối tượng sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, hội viên;

Tăng cường công tác trao đổi kinh nghiệm, học tập các mô hình trong nước và quốc tế trong chống hàng giả, xây dựng, bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ lực lượng chức năng và hội viên;

Tuyên truyền cho hội viên về chủ trương, chính sách, pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; giúp hội viên xác lập quyền, nghĩa vụ, bảo đảm sản xuất, kinh doanh minh bạch, bền vững.

Nguyễn Kiên