Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày gần đây, dọc theo những tuyến đường biên giới thuộc các huyện Tịnh Biên, An Phú, thị xã Tân Châu và TP Châu Đốc của tỉnh An Giang đều thiết lập các chốt kiểm soát buôn lậu với sự phối hợp của lực lượng liên ngành (Ban Chỉ đạo 389).

Manh động, tinh vi

Tại khu vực chợ Gò Tà Mâu (tiếp giáp với phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc), mỗi đêm có hàng chục ghe, tàu tải trọng từ 50-70 tấn chở đường cát Thái Lan, thuốc lá, hàng điện máy và linh kiện ôtô đã qua sử dụng tập kết hàng. Trong số này, mặt hàng đường cát Thái Lan chiếm số lượng lớn nhất và được giao lại cho một ông trùm tại khu vực khóm 7, phường Châu Phú A, TP Châu Đốc. Lợi dụng đêm tối hoặc những lúc các lực lượng chống buôn lậu bỏ chốt, ông trùm này sẽ sử dụng những chiếc vỏ lãi có công suất cực lớn đưa hàng về tập kết tại các kho chứa nằm rải rác bên bờ kênh Vĩnh Tế.

Quyết liệt chống hàng lậu, hàng giả - Hình 1
Một bãi tập kết đường cát Thái Lan nhập lậu cập bến trên kênh Vĩnh Tế Ảnh: THỐT NỐT

Riêng mặt hàng thuốc lá, sau khi được tập kết về khu vực khóm 7, phường Châu Phú A, các đầu nậu thuê người vận chuyển bằng xe máy về TP Long Xuyên. Các đối tượng buôn lậu thường chia nhỏ lực lượng thành từng tốp theo từng đoạn đường trải dài từ TP Châu Đốc đến TP Long Xuyên. Mỗi khi bị lực lượng chức năng bắt giữ, những đối tượng này rất manh động và sẵn sàng chống đối, tìm mọi cách tẩu tán, giành giật lại hàng lậu.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng của tỉnh An Giang kiểm tra, phát hiện 714 vụ (giảm 13,6% so cùng kỳ) mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu. Tổng trị giá hàng hóa bắt giữ gần 31 tỉ đồng (tăng hơn 60% so cùng kỳ). Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu khoảng 2 tỉ đồng. Lực lượng chức năng khởi tố 11 vụ về hành vi "Mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu", trị giá tang vật bị khởi tố gần 1,5 tỉ đồng.

Còn tại Đồng Tháp, theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh này, trong năm 2018 và quý I/2019, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, bắt giữ gần 2.600 vụ/1.402 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó ngành chức năng xử phạt hành chính hơn 2.000 vụ; phạt tiền 1.324 vụ với hơn 17,5 tỉ đồng.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới nhìn chung vẫn còn phức tạp với thủ đoạn tinh vi trong việc đối phó với các lực lượng chức năng. Ngay sau khi Bộ Công an triển khai lực lượng bắt giữ các đường dây buôn lậu thì các ngành, địa phương, đơn vị chức năng đã chủ động, quyết liệt hơn với việc thường xuyên tuần tra, kiểm soát, đóng chốt tại các tuyến, địa bàn, khu vực trọng điểm. Các điểm nóng nổi cộm về buôn lậu đang được kiểm soát chặt, còn các đối tượng đầu nậu lớn thì đang thu mình, lén lút và hoạt động nhỏ lẻ là chủ yếu.

Bên cạnh những khó khăn như đường biên giới dài, lực lượng mỏng, phương tiện lạc hậu..., vẫn còn một số hạn chế gây nhiều khó khăn cho công tác chống buôn lậu như chưa tổ chức thực hiện được quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tiêu hủy và thí điểm bán đấu giá thuốc lá nhập lậu, trong khi lượng hàng lậu bị bắt giữ tồn kho khá lớn.

Tuyên chiến với nạn bơm tạp chất vào tôm

Qua 2 năm thực hiện đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2419/QĐ-TTg ngày 13-12-2016, các tỉnh trọng điểm của nạn tôm bơm tạp chất như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang đã từng bước đẩy lùi và triệt phá nhiều vụ tổ chức và vận chuyển tôm nguyên liệu bơm chất agar (rau câu) và CMC (chất tạo đặc, tạo nhớt) lên đến hàng trăm tấn, xử phạt nhiều tỉ đồng. Thậm chí, tỉnh Bạc Liêu còn quy trách nhiệm cho chủ tịch các huyện, TP nếu để tình trạng này diễn ra trên địa bàn. Từ cuối năm 2018 đến nay, nạn bơm chích tạp chất đã không còn công khai, phổ biến, tổ chức thành tụ điểm như trước mà chỉ còn ở các cơ sở nhỏ lẻ, hoạt động lén lút.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay không phát hiện thêm vụ bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu trên địa bàn. Tuy nhiên, trong tháng 5-2019, cơ quan chức năng bắt quả tang 2 vụ vận chuyển tôm có chứa tạp chất trên xe khách. Đây có thể coi là thủ đoạn mới nhằm đối phó cơ quan chức năng.

Cụ thể, lúc 16 giờ ngày 17-5, trong lúc tuần tra kiểm soát trên Quốc lộ 1 (đoạn qua xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu), Phòng CSGT Đường bộ phát hiện xe khách BKS 69B-005... chở 300 kg tôm có tạp chất từ Cà Mau đi Đà Nẵng. Chỉ 3 ngày sau, Phòng Cảnh sát Kinh tế phối hợp với Phòng CSGT Đường bộ Công an tỉnh Bạc Liêu phát hiện thêm 200 kg tôm bơm tạp chất trên xe khách từ Cà Mau đi TP HCM...

Huy động lực lượng chặn tôm càng đỏ

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý tôm càng đỏ nhập lậu. Theo đó, văn bản yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung nắm tình hình, phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu, biên giới, nhất là các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở, điểm tập kết để kịp thời phát hiện, ngăn chặn đối với các hành vi vận chuyển tôm càng đỏ trái phép qua biên giới.

PV