Vẫn diễn biến phức tạp

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, năm 2017, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với năm 2016. Đặc biệt, với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, thành phố đã giải quyết được 17 điểm ùn tắc, xử lý 46 điểm "đen" về tai nạn giao thông. Trong đó có những điểm "nóng", như: Nút giao thông Lò Đúc - Trần Khát Chân - Kim Ngưu đã hết ùn tắc sau khi thông xe cầu vượt; đoạn tuyến La Thành - Hoàng Cầu và nút giao Hoàng Cầu - Ô Chợ Dừa đã giảm ùn tắc sau khi dỡ bỏ rào chắn thi công Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông... 

Tuy nhiên, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Tại một số huyện, số người chết do tai nạn giao thông còn cao; vẫn xảy ra nguy cơ ùn tắc tại một số tuyến đường, nút giao thông vào giờ cao điểm... 

Đặc biệt, càng gần Tết Nguyên đán, tình hình ùn tắc giao thông càng nghiêm trọng. Tình hình không chỉ diễn ra trên các tuyến đường hướng vào trung tâm thành phố như Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ; Nguyễn Trãi - Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng; Giải Phóng..., mà còn có thể xảy ra ở những tuyến phố có lưu lượng phương tiện thấp, ít khi xảy ra ùn tắc. Một số tuyến đường mới mở, như Đại Cồ Việt - Kim Liên - Xã Đàn - Hoàng Cầu ùn tắc cũng thường xuyên xảy ra vào giờ cao điểm...

Ghi nhận những nỗ lực của thành phố, song, theo ông Nguyễn Thành Trung (ngõ 670 đường Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai), đường Nguyễn Khoái đoạn từ nút giao với đường Vĩnh Hưng tới Bến xe Lương Yên (cũ) thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng, đặc biệt là tại khu vực cửa khẩu Lãng Yên - Nguyễn Khoái giao cắt với đường mới mở Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái. Đường hẹp, trong khi lượng phương tiện quá lớn, ô tô đi 3-4 làn khiến xe máy không còn đường đi, chen cả vào làn của ô tô; đèn tín hiệu giao thông tại đây chưa phù hợp...

Xử lý nghiêm vi phạm

Để giải quyết tốt hơn tình trạng ùn tắc giao thông, ngày 28-12-2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Kế hoạch số 254/KH-UBND thực hiện công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố năm 2018. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu giải quyết hơn 10 điểm ùn tắc giao thông trong danh mục các điểm thống kê từ năm 2017 chuyển sang, giảm 5-10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí so với năm 2017... 

Về các giải pháp, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục và xử phạt các hành vi vi phạm, TP Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ các dự án do Bộ làm chủ đầu tư trên địa bàn, như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Dự án đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Tập trung thi công các dự án trong danh mục công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng các bến xe liên tỉnh theo quy hoạch; tối ưu hóa mạng lưới buýt và phát huy hiệu quả tuyến xe buýt nhanh...

Quyết liệt giảm ùn tắc và tai nạn giao thông - Hình 1

Thống kê của Ban An toàn giao thông TP Hà Nội, hiện trên địa bàn Thủ đô còn tới 37 điểm "đen" ùn tắc giao thông

Trong những ngày đầu năm 2018, Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện xén dải phân cách giữa tuyến đường Nguyễn Chí Thanh để mở rộng lòng đường cho phương tiện lưu thông. Theo Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện, dải phân cách trên đường Nguyễn Chí Thanh, đoạn từ nút giao đường Láng đến nút giao Đê La Thành (khoảng 1km) trước đây được thiết kế rộng 16-17m, nay thu hẹp còn 4,4m. Phần đường mới được hoàn thiện có bề rộng 16m, bảo đảm mỗi bên 5 làn xe lưu thông. Cùng với đó, dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng và xây dựng tuyến trên cao đang đẩy nhanh tiến độ; khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc và hoàn thiện tuyến Vành đai 3 của thành phố theo quy hoạch.

Tuy nhiên, ông Vũ Văn Viện cho rằng, để giải quyết triệt để ùn tắc giao thông, bên cạnh việc làm trước mắt như tổ chức giao thông, phân làn, phân luồng phương tiện... cần triển khai những giải pháp lâu dài, trong đó có đề án "Quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường” đã được HĐND TP Hà Nội thông qua, với việc tập trung phát triển vận tải công cộng, quản lý giao thông thông minh... 

Cũng theo Kế hoạch số 254/KH-UBND, trong lĩnh vực đường sắt, UBND các quận, huyện, thị xã có đường sắt đi qua quản lý chặt chẽ hành lang an toàn giao thông đường sắt, không để phát sinh các đường ngang mở trái phép. Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố khi để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn; tiếp tục rà soát, giải tỏa các hành vi vi phạm an toàn giao thông, bố trí người trực cảnh giới, bổ sung biển báo, xây dựng gờ giảm tốc...

Với đường thủy nội địa, yêu cầu bố trí lực lượng duy trì thường xuyên chống tái lấn chiếm; xử lý nghiêm các vi phạm lập bến bãi trái phép, các bến đò ngang và các phương tiện thủy chở khách qua sông không bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn...

Thống kê của Ban An toàn giao thông TP Hà Nội cho thấy, hiện trên địa bàn Thủ đô còn tới 37 điểm "đen" ùn tắc giao thông, như: Phía Bắc cầu Chương Dương, đường Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ, đường Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng, nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến; khu vực đường Vành đai 3 trên cao xuống nút giao Pháp Vân - Giải Phóng; ngã tư Cầu Giấy (tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội)...

Theo Hà Nội mới