Thủ tướng yêu cầu các Bộ triển khai ngay nhiệm vụ Chính phủ giao

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, địa phương triển khai ngay nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 và đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Tổ trưởng Tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan được kiểm tra trong tháng 4 và các Bộ, địa phương liên quan triển khai thực hiện ngay một số công việc.

Đối với Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chỉ đạo quyết liệt xử lý nợ đọng các khoản thuế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018; khẩn trương xây dựng, trình các dự án Luật sửa đổi các Luật về thuế; có biện pháp hiệu quả chống thất thu thuế, nhất là đối với hộ kinh doanh cá thể, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường; nghiên cứu, đề xuất chính sách thu thuế và chế độ kế toán đơn giản, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 05/3/2018; có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng sách nhiễu, tiêu cực, vi phạm đạo đức nghề nghiệp còn xảy ra trong ngành hải quan và có biện pháp xử lý nghiêm khắc những cán bộ có hành vi tiêu cực, sách nhiễu.

Đồng thời khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; báo cáo, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thay đổi chính sách thuế quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ, theo hướng không quy định tỷ lệ cho từng yếu tố phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu vật tư, linh kiện dư thừa mà quy định cụ thể phù hợp với thực tế cho từng yếu tố để tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức rà soát lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài và các trường hợp hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài của các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch tập trung theo quy định tại Nghị định số 60/2015/NĐ-CP ngày 26/6/2015 của Chính phủ; khẩn trương xây dựng phương án sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh tại các Luật; xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa nhiều Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Đối với Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm hiệu quả, phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Các bộ, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện trong vấn đề cấp phép các mỏ nguyên liệu cho VICEM để VICEM đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra; xây dựng Đề án đổi mới công tác quản trị, thắt chặt quản lý để tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, giảm giá thành sản phẩm.

Kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, khắc phục triệt để tình trạng công nợ nội bộ và dành nguồn vốn phù hợp để trả nợ vốn vay; rà soát, sắp xếp, bố trí việc làm cho người lao động phù hợp theo hướng tinh gọn, hiệu quả để tăng năng suất lao động từ 7 - 10% so với hiện nay; khẩn trương nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Bộ Xây dựng về chiến lược phát triển ngành xi măng Việt Nam.

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương chỉ đạo và hướng dẫn và các Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thống nhất quy định tại Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 để tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp thủy sản.

Đối với Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý ngành xi măng phù hợp với thực tế và phát triển bền vững trong tương lai.

Xem xét đề xuất của VICEM trong chiến lược đầu tư phát triển tăng năng lực sản xuất hoặc mua lại theo hình thức mua bán sáp nhập (M&A) để tăng quy mô sản xuất, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của ngành xi măng.

Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phối hợp với VICEM khẩn trương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 45/TB-VPCP ngày 31/01/2018 của Văn phòng Chính phủ để sớm đưa nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất hoạt động trở lại.

Hoan Nguyễn