Sáng 25/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng sửa đổi. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Đề nghị bổ sung quy định về các trường hợp phải công chứng
Hiện nay, các giao dịch hợp đồng phải công chứng còn được quy định rải rác ở các luật và các văn bản như là Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Đại biểu Lã Thanh Tân, Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng cho rằng, luật chuyên ngành về công chứng cần có sự ghi nhận về những nội dung này để tạo sự đồng bộ, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật cũng như khẳng định chức năng và những lợi ích của công chứng như đã nêu.
Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị bổ sung quy định về các trường hợp phải công chứng và bổ sung trường hợp công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp, các biên bản họp Hội đồng quản trị, đại hội cổ đông, Hội đồng thành viên trong doanh nghiệp là trường hợp phải công chứng trong dự thảo Luật. Quy định này vừa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, đồng thời cũng phù hợp với thông lệ quốc tế về công chứng, điển hình là các nước phát triển như Nhật Bản, Pháp, Đức…
Rà soát, quy định chặt chẽ hơn về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo luật
Góp ý về các hành vi bị cấm trong dự thảo luật, đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị ngoài các quy định trong dự thảo luật, cơ quan soạn thảo rà soát, đánh giá thêm từ thực tiễn để quy định chặt chẽ hơn, có sự phối hợp giữa các cơ quan để kiểm soát, có chế tài mạnh hơn nhằm tạo sự lành mạnh trong hành nghề, phát triển theo hướng bền vững, giảm thiểu vi phạm và an toàn pháp lý trong hoạt động công chứng.
Về đào tạo nghề công chứng, đại biểu đánh giá cao chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng để phục vụ nhu cầu của người dân, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát xã hội hóa, mở rộng hơn các cơ sở đào tạo nghề công chứng, ngoài Học viện Tư pháp của Bộ Tư pháp, các trường Đại học luật để tạo điều kiện tốt nhất cho những người có nhu cầu đào tạo, kể cả việc sớm định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay trong nhà trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu bổ nhiệm công chứng viên.
Về trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch từ phòng công chứng cấp huyện, ủy ban nhân dân cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng tại những địa bàn cấp huyện đã được phát triển được tổ chức hành nghề công chứng, đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức theo hướng của Chính phủ theo điểm e khoản 1 Điều 72 của dự thảo luật. Theo đại biểu, quy định này không phù hợp và đề nghị đưa ra khỏi dự thảo vì việc quy định chuyển giao thẩm quyền dễ phát sinh dư luận về việc ưu ái đối với tổ chức hành nghề công chứng; phát sinh các vấn đề về thực hiện thủ tục hành chính, tính đồng bộ của pháp luật khi cùng một loại giao dịch được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng nhưng không được thực hiện phòng tư pháp cấp huyện, ủy ban nhân dân cấp xã và ngược lại...
Cần xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng có phạm vi toàn quốc, đồng bộ, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia
Quan tâm đến quyền và nghĩa vụ của công chứng viên, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung thêm quy định vào khoản 2 Điều 16 nội dung: “Công chứng viên không được thành lập hoặc tham gia thành lập phòng công chứng mới trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh”.
“Vì theo quy định tại khoản 5 Điều 185 của Luật Doanh nghiệp, trong thời gian 02 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh theo quy định tại các điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 1 Điều này, người đó vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên. Do đó, việc bổ sung thêm nghĩa vụ của công chứng viên như trên nhằm bảo đảm tính ổn định trong hoạt động, tính chịu trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động hành nghề công chứng và phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 185 Luật Doanh nghiệp năm 2020.”, đại biểu lý giải.
Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu tranh luận
Tranh luận với đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp về tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, đại biểu Lê Xuân Thân cho rằng, không nên bỏ quy định này, vì đây là văn bản luật công chứng, nên tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khác với giao dịch, hợp đồng theo Bộ luật Dân sự.
Đại biểu đề nghị chỉnh lý lại quy định về lời chứng của công chứng viên, theo đó, quy định hiện tại buộc lời chứng của công chứng viên phải không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Theo đại biểu, cần sửa lại theo đúng quy định của Hiến pháp và của Bộ luật Dân sự 2015 là không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, để đảm bảo thực hiện pháp luật thống nhất, đồng bộ. Với Điều 51, đại biểu đề nghị bổ sung “việc thực hiện tuyên bố vô hiệu văn bản công chứng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.”
PV (lược ghi)