Sản phẩm chế biến sẽ vẫn là chủng loại chiếm ưu thế bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâuSản phẩm chế biến sẽ vẫn là chủng loại chiếm ưu thế bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu

Cục Xuất nhập khẩu cho hay, theo ước tính, xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 5/2020 đạt 350 triệu USD, tăng 2,3% so với tháng 4/2020, nhưng giảm 1,4% so với tháng 5/2019. Trong 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 1,58 tỷ USD, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu các loại quả tươi đạt 865 triệu USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu thanh long trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt 416,27 triệu USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2019. Quả thanh long xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Trung Quốc đạt 384,95 triệu USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 92,5% tổng trị giá xuất khẩu thanh long.

Trong khi đó, trong 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu hàng rau quả chế biến tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2019, đạt 237 triệu USD, tăng 36,1%. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 59,36 triệu USD, tăng 82,6% so với cùng kỳ năm 2019; xuất khẩu sang thị trường Đài Loan đạt 14,8 triệu USD, tăng 205,7%; Nga đạt 17,1 triệu USD, tăng 178,6%....

Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, khó lường, Cục Xuất nhập khẩu nhìn nhận, sản phẩm chế biến sẽ vẫn là chủng loại chiếm ưu thế bởi sự tiện lợi và thời gian bảo quản lâu. Hàng rau quả chế biến là chủng loại sản phẩm có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến làm tăng trị giá xuất khẩu toàn ngành hàng rau quả khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều thị trường trên thế giới là giải pháp tối ưu.

Bảo Lâm