Với tỷ lệ nợ xấu lên tới 4,89% tổng dư nợ, Sacombank là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu trong Top 10 ngân hàng lớn của Việt Nam
Theo tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính quý I của Top 10 NH lớn như: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, VPBank, Sacombank, Eximbank... nợ xấu đã lên tới 59.375 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, dẫn đầu là Sacombank với tỷ lệ nợ xấu lên tới 4,89% tổng dư nợ, mặc dù con số này đã giảm so với mức 5,35% hồi đầu năm, tương đương khoảng 10.083 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 6.602 tỷ đồng, tương đương 65,5% tổng nợ xấu.
Tiếp theo đó là VPBank với tỷ lệ nợ xấu chiếm 3,5% tổng dư nợ, tăng khá mạnh so với mức 2,91% hồi đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ “gà đẻ trứng vàng” FE Credit. Đây là công ty mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho VPBank nhưng đồng thời cũng “đóng góp” tỷ trọng lớn nợ xấu cho Ngân hàng này.
Tính đến cuối tháng 3/2017, VPBank đang có 3.361 tỷ đồng nợ xấu, tăng 47,3% so với đầu năm nhưng vẫn ở trong khoảng “an toàn” là 2,86% tổng dư nợ. Tuy nhiên, báo cáo hợp nhất lại cho thấy, nợ xấu của NH đã lên tới 5.326 tỷ đồng, tăng tới 26,6% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 29% lên 3.013 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 22,3% lên 1.192 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 24,9%, lên 1.120 tỷ đồng.
Đứng thứ ba về tỷ lệ nợ xấu là Eximbank. Tính đến hết quý I/2017, Eximbank đang có hơn 2.589 tỷ đồng nợ xấu, chỉ tăng nhẹ 1,1% so với đầu năm. Tuy nhiên, do hoạt động tín dụng tăng trưởng âm nên đẩy tỷ lệ nợ xấu của NH lên mức 3%, so với mức 2,95% hồi cuối năm 2016…
Theo các chuyên gia, nợ xấu tại nhiều ngân hàng sau khi đã bán cho Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản (VAMC) đã đưa về được đúng mức quy định của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên thực chất khoản nợ mà VAMC gom lại… vẫn nằm ở đó, chưa thực sự được giải quyết.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia từng đưa ra phương án phải xin “đặc quyền” cho VAMC, nhưng đến nay việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là xử lý tài sản đảm bảo của nợ xấu vẫn không có lốt thoát thực sự.
H.M