Hàng loạt sai phạm của Công ty TNHH NLSH Phương Đông
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý theo quy định đối với một số tồn tại, sai sót chủ yếu như sau:
Dự án công nghiệp nhóm A nhưng Chủ đầu tư không gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở của Bộ Công thương theo quy định; Phê duyệt TMĐT của dự án khi chưa được thẩm tra, thẩm định; Hạng mục cấp nước, cấp điện cho nhà máy đã được một số đơn vị cam kết đầu tư, tuy nhiên chủ đầu tư vẫn đưa chi phí này vào tổng mức đầu tư và ký hợp đồng với đơn vị thực hiện làm tăng chi phí đầu tư của Dự án;
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý theo quy định đối với một số tồn tại, sai sót.
Bên cạnh đó, theo Kiểm toán Nhà nước, việc nghiệm thu hoàn thành 100% khối lượng công việc mua sắm của nhà thầu TTCL trong khi thực tế chưa hoàn thành; thanh toán cho nhà thầu TTCL Việt Nam vượt quy định Hợp đồng EPC số tiền 123.791 USD; ký chứng chỉ nghiệm thu Hệ thống thiết bị chính (trừ hệ thống xử lý nước thải) trong khi còn nhiều hạng mục còn tồn tại chưa được nhà thầu khắc phục, chưa được chủ đầu tư nghiệm thu.
Ngoài ra, đến thời điểm kiểm toán, Liên danh nhà thầu EPC vẫn chưa hoàn thành công trình và chưa được cấp chứng nhận IA, Bảo lãnh thực hiện hợp đồng của nhà thầu đã hết hạn. Tuy nhiên, Chủ đầu tư không yêu cầu nhà thầu gia hạn Bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho phần công việc chưa hoàn thành theo quy định hợp đồng.
Và một số tồn tại, sai sót khác trong công tác quản lý thực hiện đầu tư...
Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể PVOIL
Đối với sai phạm của PVOIL, Kiểm toán Nhà nước đề nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể có liên quan thuộc Tổng công ty này để xử lý theo quy định đối với một số tồn tại, sai sót, cụ thể:
Tổng giám đốc PVOIL tổ chức lập và trình PVN thông qua chủ trương đầu tư không đúng thẩm quyền và không đáp ứng sự cần thiết phải đầu tư Dự án;
Tập thể, cá nhân tại PVOIL bị đề nghị xử lý trách nhiệm vì liên quan đến sai phạm tại dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước.
Hội đồng thành viên PVOIL chấp thuận chủ trương đầu tư vốn nhà nước để thực hiện Dự án mà không tổ chức thẩm định Dự án theo quy định tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ, dự án không đáp ứng sự cần thiết phải đầu tư gây lãng phí nguồn vốn nhà nước đã đầu tư vào Dự án;
Thực hiện thoái vốn của PVOIL tại công ty OBF trước khi lựa chọn nhà thầu EPC không đúng lộ trình tại Đề án thành lập công ty OBF được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chấp thuận chủ trương tại Văn bản số 1528/NQ-DKVN ngày 10/3/2009;
Thực hiện các thủ tục thoái vốn cho Licogi 16 và chấp thuận chủ trương để ITOCHU thoái vốn cho TTNE còn một số tồn tại, thiếu sót;
Thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát người đại diện phần vốn tại Công ty Phương Đông trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư để xảy ra nhiều tồn tại, sai sót như đã nêu ở trên.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị PVOIL tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của người đại diện phần vốn góp tại Công ty Phương Đông để xử lý theo quy định đối với một số tồn tại, sai sót cụ thể như:
Tổ chức kiểm điểm đối với các nội dung tồn tại như đã nêu tại mục 4 Phần II Báo cáo kiểm toán;
Người đại diện biểu quyết để Giám đốc/Phó Giám đốc được ủy quyền của Công ty Phương Đông, như:
Ký hợp đồng EPC vượt giá trần làm tăng chi phí đầu tư dự án số tiền 1.444.148 USD; Ký phụ lục bổ sung giá hợp đồng EPC cho phần phát sinh hệ thống xử lý nước thải không đúng nội dung đã được các bên đàm phán, thống nhất trước khi ký hợp đồng có thể làm thất thoát vốn nhà nước 1,19 triệu USD; Ký phụ lục hợp đồng giải tỏa trách nhiệm cho nhà thầu EPC trong việc chậm tiến độ hợp đồng có thể gây thiệt hại cho Công ty Phương Đông số tiền ước tính khoảng 2,92 triệu USD tương ứng với số tiền phạt chậm tiến độ hợp đồng EPC; Ký Chứng chỉ nghiệm thu ban đầu một phần và Chứng chỉ nghiệm thu ban đầu không đúng quy định của Hợp đồng làm giảm trách nhiệm của Nhà thầu trong việc xử lý các sai sót, tồn tại chưa được khắc phục và chi phí quản lý Nhà máy trong thời gian chưa được chính thức bàn giao cho Chủ đầu tư;
Ký hợp đồng gói thầu Thi công mở rộng đoạn đường 6Km vượt dự toán gói thầu được cơ quan có thẩm quyền thẩm định làm tăng chi phí đầu tư số tiền 2.425,33 triệu đồng; Ký phụ lục hợp đồng gói thầu Hệ thống cây xanh nhà máy chấp thuận thanh toán các hạng mục công việc trái với điều khoản quy định tại hợp đồng gốc; Ký hợp đồng với Công ty cổ phần Licogi16 thực hiện một số hạng mục phụ trợ ngoài hợp đồng EPC khi chưa phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ yêu cầu, giá trị chỉ định thầu trong nghị quyết của OBF vượt tổng mức đầu tư được duyệt (Kho Hoa Lư, kho Đắk Nông);
Chấp thuận để một số đơn vị tư vấn tham gia thực hiện dự án khi không có đăng ký kinh doanh về lĩnh vực tư vấn (Công ty TNHH MTV xây dựng Thành Tâm thực hiện lập dự án đầu tư Công trình xây dựng kho Hoa Lư, Công ty cổ phần Nguồn Việt thực hiện gói thầu Tư vấn xem xét hồ sơ thiết kế kỹ thuật Dự án);
Chỉ lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật mà không lập dự án đầu tư đối với một số công trình có tổng mức đầu tư trên 15 tỷ đồng (công trình thi công Kho Hoa Lư; công trình Thi công mở rộng đoạn đường 6km);
Phê duyệt chỉ định thầu EPC dựa trên TMĐT được duyệt trong khi TMĐT được phê duyệt còn một số chi phí thiếu cơ sở và chưa được thẩm tra, thẩm định theo quy định; Phê duyệt đơn vị trúng thầu không có tên trong danh sách được chủ đầu tư gửi thư mời thầu;
Nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu EPC chi phí thiết bị nhập ngoại khi không có hồ sơ chứng nhận về xuất xứ (CO) và chất lượng (CQ) của thiết bị.
Với tư cách là người chịu trách nhiệm trước PVOIL về hiệu quả sử dụng vốn góp của Tổng công ty, Người đại diện phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra nhiều tồn tại, sai sót tại Công ty Phương Đông trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư như đã nêu ở trên.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Tập đoàn Dầu khi Việt Nam xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan thuộc Tập đoàn này.
Trước những sai phạm nêu trên, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Tập đoàn dầu khí Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PVOIL theo từng thời kỳ để xử lý theo quy định của pháp luật đối với một số tồn tại, sai sót...
Đồng thời, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân trong việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhưng không đáp ứng yêu cầu về sự cần thiết đầu tư; và Ban hành Văn bản số 10420/DKVN-QLĐT ngày 23/12/2009 đề nghị PVOIL thông qua người đại diện phần vốn của mình tại OBF xem xét tạo điều kiện cho Liên danh giữa PVE với một nhà thầu nước ngoài thực hiện gói thầu EPC khi PVOIL đang nắm giữ 51% vốn điều lệ của Công ty OBF có thể làm ảnh hưởng đến tính khách quan trong việc lựa chọn nhà thầu EPC.
Được biết, PVOIL là đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 1250/QĐ-DKVN ngày 06/06/2008 của Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trên cơ sở hợp nhất Tổng công ty Thương mại dầu khí (Petechim), Công ty Chế biến và Kinh doanh phân phối sản phẩm dầu mỏ (PDC).
Tuấn Ngọc