Trao đổi với báo giới, GS VS Ðào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội cho rằng, nếu áp dụng triệt để phương pháp thi trắc nghiệm như các nước họ vẫn áp dụng hay như ÐHQG đã làm sẽ không có tiêu cực.

Thi trắc nghiệm chính ra thí sinh phải làm bài thi và có kết quả ngay trên máy tính. Như vậy, không có kẽ hở nào cho con người can thiệp vào chấm thi. Ở kỳ thi này, thí sinh thi trên giấy, thu về qua nhiều khâu sau đó mới qua máy quét bài gốc. Nhiều khâu như thế nên con người có thể can thiệp được và đã không giám sát, kiểm soát sự an toàn của bài thi. Trong thời gian tới, nếu chưa làm triệt để thi trắc nghiệm thi và chấm ngay trên máy tính thì Bộ GD&ĐT phải nghiên cứu để có biện pháp kỹ thuật xử lý an toàn hơn trong các khâu.

Sai phạm trong thi THPT Quốc Gia: Nhiều trường đại học lo lắng về chất lượng đầu vào - Hình 1

Các trường Đại học dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển (ảnh minh họa)

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch – một trường đào tạo ngành y lớn thứ 2 ở TPHCM chia sẻ rằng:  “Việc sửa điểm một cách chót vót như ở Hà Giang vừa qua và thậm chí có nghi vấn lan sang các địa phương khác quả thật khiến tôi cảm thấy rất lo lắng. Bởi trong lĩnh vực y, chất lượng đào tạo ở bậc đại học của các trường không chỉ phụ thuộc vào chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất mà còn đòi hỏi chất lượng đầu vào”.

Trong tuyển sinh ngành y, phải chọn những học sinh có năng lực, chọn được người giỏi để đáp ứng được chương trình học. Nếu nâng vài điểm đã là không nên đằng này lại nâng đến mấy chục điểm, khi vào học sẽ không theo được chương trình, gây lãng phí tiền bạc, thời gian cho người tuyển dụng và thí sinh. Nếu các em học không tốt thì cao lắm chỉ học được tới năm thứ 3-4 thôi, khó theo đuổi hết 6 năm học được.

TS Lê Nguyễn Đức Chính, Phó trưởng khoa Y, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết theo thống kê của khoa này và kinh nghiệm giảng dạy của giảng viên, sinh viên có điểm đầu vào càng cao thì khả năng tiếp thu bài, phân tích tình huống, tự học càng vượt trội so với bạn có điểm thi thấp.

Theo đó, thường những em đạt 21 điểm trở lên có thể lĩnh hội được chương trình giảng dạy của ngành y. Sức học của các em so với yêu cầu của khoa thường không có chênh lệch quá nhiều. Với mức đầu vào khoảng 15-16 điểm, sinh viên rất khó đáp ứng được chương trình đào tạo.

Còn theo thạc sĩ Phùng Quán, Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG TPHCM, việc sai phạm ở Hà Giang, các cơ quan chức năng cần xem lại việc công nhận kết quả tốt nghiệp ở địa phương này. Đồng thời, rút kinh nghiệm từ những địa phương có tiêu cực, việc chấm bài thi trắc nghiệm ở kỳ thi THPT quốc gia nên chấm chéo giữa các tỉnh, đồng thời chỉ nên cung cấp đáp án sau khi các hội đồng chấm đã quét xong bài trắc nghiệm.

Sai phạm trong thi THPT Quốc Gia: Nhiều trường đại học lo lắng về chất lượng đầu vào - Hình 2

Một số trường ĐH phía Nam đã tự đứng ra tổ chức các kỳ đánh giá năng lực để thêm phương án tuyển sinh đầu vào. Ảnh: Lê Phương

Trong năm 2018, trường Đại học Luật TP HCM cũng đã có bài thi đánh giá  năng lực riêng kết hợp với kết quả kỳ thi để tuyển sinh, rõ ràng đây là hướng đi đúng, tự chủ của các trường.

Tuy nhiên, đây không phải tất cả các trường đều đủ năng lực làm công tác này nên thực sự vẫn rất cần những Trung tâm Khảo thí tầm cỡ Quốc gia để thực hiện dịch vụ đánh giá cho các trường. 

Bảo Ngọc T/h