Hàng năm, đầu quý II là thời điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp mới quyết định gia nhập thị trường, còn doanh nghiệp đang hoạt động lên phương án tăng tốc sản xuất, kinh doanh. Nhưng từ cuối tháng 4 đến nay, doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa" trước diễn tiến của dịch bệnh.
So sánh 4 tháng đầu năm với cùng kỳ năm ngoái, bên cạnh số doanh nghiệp thành lập mới trên 44 nghìn doanh nghiệp vẫn có đến trên 51 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ giải thể tăng gần 24%.
Một số ngành tiếp tục giảm doanh thu, hoạt động như dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, vận tải… Lo lắng nhất thời điểm này là trên 300 khu công nghiệp cả nước - khu vực đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân cho biết, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
"Trong cuộc trao đổi nhanh cách đây vài ngày với lãnh đạo hiệp hội các doanh nghiệp có 2 con số các hiệp hội đã chia sẻ: Thứ nhất, sản lượng hàng hóa của các khu vực công nghiệp trọng điểm phía Bắc, cụ thể là Bắc Ninh và Bắc Giang và Vĩnh Phúc được dự báo sụt giảm 50% kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng của các chuỗi vận tải logistics liên quan.
Thứ hai, Hiệp hội Dệt may có một tính toán nhanh, nếu một doanh nghiệp bị cách ly giãn cách, không làm việc từ 14 - 21 ngày kế hoạch sản xuất 1 năm bị tan vỡ và đứng trước nguy cơ phá sản. Với hàng nghìn người lao động sẽ bị mất việc không còn thu nhập".
Với 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, nơi tập trung các khu công nghiệp lớn phía Bắc, bùng phát dịch trong khu công nghiệp đang khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ dừng sản xuất, chậm, thậm chí là không thể đảm bảo tiến độ giao hàng.
Nhiều doanh nghiệp ở Bắc Giang thuộc chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn trên thế giới như: Apple, Toyota, Honda, Samsung... Nếu các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang đóng cửa thêm thời gian nữa thì Samsung Bắc Ninh, Thái Nguyên cũng bị ảnh hưởng bởi không có đủ các sản phẩm đầu vào. Mục tiêu lúc này là phải sớm phục hồi sản xuất để tránh đứt gẫy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến đời sống công nhân.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho rằng việc khôi phục sản xuất tại các khu vực bị ảnh hưởng dịch là chưa đủ và vẫn thách thức trong vài tuần tới dù chính quyền địa phương, bản thân doanh nghiệp đã cố gắng hết sức. Ngay cả khi khôi phục được những khu vực này thì khó khăn trên toàn chuỗi sản xuất vẫn hiện hữu. Đứng trước bối cảnh này một số kịch bản do chính các doanh nghiệp xây dựng ở các lần bùng dịch trước đó lại nên được áp dụng triệt để trở lại.
"Về phía Chính phủ và địa phương chắc chắn kịch bản chống dịch ở mọi tình huống đã được xây dựng. Nhưng chúng tôi rất mong các kịch bản cụ thể để hỗ trợ để đảm bảo chuỗi cung ứng chuỗi hàng", bà Thủy cũng bày tỏ.
Theo bà Thủy bên cạnh chỉ đạo đồng bộ từ Chính phủ để hạn chế yêu cầu cấm ngăn sông cấm chợ như thời gian vừa qua, Chính phủ có thể yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và một số tỉnh nằm trong chuỗi liên kết hàng hóa lớn xây dựng sẵn các phương án lưu thông hàng hóa, các tuyến đường dự phòng cho vận chuyển hàng hóa khi dịch bệnh xảy ra.
"Việc này thời gian qua chủ yếu tự thân các doanh nghiệp ứng phó nên tương đối lúng túng, trong khi mệnh lệnh và yêu cầu hàng chính tại các địa phương tương đối khác nhau", bà Thúy nói.
Trúc Mai