Bằng cách giới thiệu một số sản phẩm, tặng quà cho khách hàng cùng với việc chia sẻ những thông tin hữu ích về cách chăm sóc sức khỏe, nhân viên công ty bước đầu đã lôi kéo hàng trăm khách hàng tiềm năng tham gia hoạt động kinh doanh đang bị biến tướng này.

Hội thảo không phép

Sản phẩm hồng sâm Hàn Quốc: Lật tẩy chiêu trò “móc túi” người tiêu dùng - Hình 1

 Đây là lọ Hồng Sâm được rao bán tại hội thảo Cty TNHH KUMKANG

 Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNHH MTV KưngKang, tọa lạc tại tầng 3, tòa nhà CTM (số 299, đường Cầu Giấy, Hà Nội), mới hoạt động chưa đầy 1 tháng. Trong ngành nghề đăng ký kinh doanh, công ty không được cấp phép hoạt động XTTM, tổ chức hội thảo, giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, đều đặn hàng ngày các cuộc hội thảo giới thiệu sản phẩm vẫn diễn ra tại trụ sở DN này?

Đáng nói, hội thảo chỉ cho phép những phụ nữ khoảng 40 - 70 tuổi tham gia, còn đàn ông không được phép “bén mảng” ?!). Mặc dù hạn chế đối tượng là vậy, song bằng chiêu thức đưa ra thông tin rằng “bất cứ ai tham gia hội thảo đều nhận được những phần quà hấp dẫn” nên mỗi buổi hội thảo đã thu hút từ 300 - 500 người tham dự.

Tại hội thảo, sau màn khởi động nhẹ nhàng để “hâm nóng” không khí, nhân viên bắt đầu chào bán chính thức các sản phẩm được cho là có xuất xứ Hàn Quốc.

Sản phẩm hồng sâm Hàn Quốc: Lật tẩy chiêu trò “móc túi” người tiêu dùng - Hình 2

Công ty TNHH MTV KưngKang tổ chức hội thảo, rao bán sản phẩm hồng sâm

Sau màn giới thiệu về chức năng và tác dụng của sâm đối với cơ thể người, anh Trung - tư vấn viên nói rằng vì các mẹ (cách mà nhân viên ở đây gọi khách hàng) rất quan tâm đến sản phẩm của công ty nên ông giám đốc công ty là người Hàn Quốc quyết định giảm giá sản phẩm hồng sâm từ 20,8 triệu đồng, xuống còn 10,8 triệu đồng, cộng thêm nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Sau khi nghe các tư vấn viên “tâng bốc” về công dụng “thần tiên” của hồng sâm Hàn Quốc, đã có nhiều người “bùi tai”, đặt cọc tiền để mua 1 hộp sâm với giá lên tới… 10,8 triệu đồng.

Một số người cao tuổi, đã tham gia hội thảo tại Công ty KưngKang cho biết: “Mỗi sản phẩm sẽ được giới thiệu và chào bán liên tục trong vòng 1 tuần, sau đó mới chuyển sang sản phẩm khác. Những ngày đầu tổ chức hội thảo, công ty này đã chào bán sản phẩm kem đánh răng với giá được niêm yết từ 800.000 đồng/tuýp, xuống còn 400.000 đồng/tuýp, cùng ưu đãi “mua 1 tặng 1”, hầu hết người tham dự đều mua. Tuần này, chuyển sang sản phẩm hồng sâm”.

Tuy nhiên, một đại lý chuyên nhập khẩu các sản phẩm từ Hàn Quốc tiết lộ, 1 lọ kem đánh rằng cùng loại với sản phẩm do Công ty KưngKang bán, trên thị trường có giá khoảng 40.000 - 50.000 đồng/tuýp, còn hồng sâm là 2 - 2,5 triệu đồng/hộp.

Qua mắt cơ quan quản lý?

Đây không phải là lần đầu tiên, các sản phẩm sâm Hàn Quốc được chào bán kiểu này. Mấy năm trước, hình thức bán hàng biến tướng đã "làm mưa làm gió" trên thị trường.

Để “che mắt” cơ quan quản lý, không ít DN thường tổ chức ở những tòa nhà chung cư, nhà hàng, trung tâm thương mại… nơi có nhiều người ra vào.

Đánh vào tâm lý thích nhận quà, các DN đã cho nhân viên phát tờ rơi ở các điểm tập trung nhiều phụ nữ cao tuổi đã về hưu, có khoản tiền lương hưu nhất định, lại có nhiều thời gian rảnh rỗi. Đây cũng là độ tuổi dễ bị “dẫn dụ” để “xuống tiền” mua sản phẩm.

Bà Hà Thị Thìn (Cầu Giấy, Hà Nội): “Tôi nhận được tờ rơi khi đi chợ. Do tò mò vì trong đó có quảng cáo đến nghe hội thảo giới thiệu sản phẩm, khi về được nhận quà, tôi rủ thêm vài người bạn đi cùng. Ban đầu, chúng tôi cũng chỉ mục đích có quà, ngày nào cũng đến ngồi nghe khoảng 1h - 1h30 phút, khi về được nhân viên tặng quà như xà phòng, nước mắm, mỳ chính… Ngày nào cũng được nhân viên giới thiệu về tác dụng và chất lượng tuyệt vời của kem đánh răng Hàn Quốc, vì thế, chúng tôi đều mua mỗi người 2 hộp”.

Theo tìm hiểu, sau một thời gian, công ty sẽ phân chia khách hàng làm 2 loại. Một là khách VIP, những người thường mua sản phẩm, họ sẽ được nhân viên nhớ mặt, chăm sóc “đặc biệt” và tiếp tục được mời đến những buổi hội thảo sau mà không cần xuất trình thẻ thành viên. Hai là khách hàng không mua sản phẩm bao giờ, sau 1 tuần sẽ không được phát thẻ nhận quà. Đáng nói, càng về sau, những sản phẩm được chào bán càng có giá trị cao hơn.

Trong vai khách hàng, chúng tôi được hai nhân viên của công ty nhanh chóng tiếp cận, hỏi han kỹ lưỡng và “điều tra” xem có ai bảo lãnh, chúng tôi mới được cho vào.

Khi có ý mua sản phẩm kem đánh răng, anh Hạnh, nhân viên tiếp thị của công ty cho biết, thời điểm này không còn bán kem đánh răng, mà chuyển sang hồng sâm. Nếu khách muốn mua kem đánh răng, phải đợi hỏi giám đốc công ty có bán không. Sau đó, theo anh Hạnh, giám đốc không đồng ý bán giá ưu đãi nữa, nếu muốn mua, khách hàng phải trả giá niêm yết là 800.000 đồng/tuýp.

Đặc biệt, dù các sản phẩm được bán với giá hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng, nhưng một số khách hàng cho biết,công ty không xuất hóa đơn GTGT. Với chiêu thức tinh vi, hình thức kinh doanh biến tướng này, dễ dàng “qua mắt” cơ quan chức năng…

Trước sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ hoạt động kinh doanh “biến tướng” của Công ty KưngKang trên thị trường hiện nay.

Cao Huyền