Năm 2020, ngành đồ uống đã khai mở một phân khúc đồ uống mới với nhãn hiệu nước rong biển ép Kamila và Catalia của Công ty TNHH Long Hải. Hai sản phẩm trên được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên từ củ sâm và rong sụn đã hấp dẫn và thu hút người tiêu dùng từ thời điểm ra mắt thị trường cho đến nay.
Sản phẩm Kamila và Catalia của Công ty Long Hải
Để tạo ra hai sản phẩm nước rong biển ép trên, Công ty TNHH Long Hải đã đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất nước rong biển ép Kamila và Catalia. Dây chuyền sản xuất hai sản phẩm được đóng tại TP Hải Dương với công suất 24.000 sản phẩm/giờ. Nước rong biển ép Kamila được đóng 24 chai/thùng, 330ml/chai. Sản phẩm là sự kết hợp tinh tế giữa tinh chất rong sụn tự nhiên và cốt trái cây bòn bon, chanh leo cùng nhân nha đam giòn dai, cho vị ngon khác lạ được nhóm khách hàng thanh thiếu niên tin dùng. Đây là nhóm những người sử dụng nhiều sản phẩm đồ uống.
Cùng với đó, nước rong biển ép Catalia đóng 24 chai/ thùng, 330ml/chai. Sản phẩm là sự kết hợp giữa tinh chất rong sụn tự nhiên và tinh chất củ sâm Fansipan. Sản phẩm Catalia nhắm tới phân khúc khách hàng người lớn tuổi.
Mô hình liên kết 4 nhà giúp người dân xã Y Tý, huyện Bát Sát, Lào Cai có thu nhập cao hơn và ổ định
Cùng với sản phẩm Thạch rau câu nổi tiếng gắn với thương hiệu Long Hải, hai sản phẩm đồ uống nước rong biển ép Kamila và Catalia ra đời không chỉ tốt cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội tại xã ven biển, các xã vùng cao biên giới nơi nuôi trồng, cung cấp nguồn nguyên liệu chính tạo ra sản phẩm của Công ty TNHH Long Hải. Đồng thời, một lần nữa là chứng minh hiệu quả của mô hình liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý, sản xuất theo chuỗi.
Công ty TNHH Long Hải là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện mối liên kết trên, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội tại xã ven biển, các xã vùng cao biên giới nơi nuôi trồng, cung cấp nguồn nguyên liệu chính tạo ra sản phẩm.
Mô hình liên kết 4 nhà giúp cuộc sống người dân trồng rong sụn ngày càng phát triển
Được biết, để sản xuất ra được 2 sản phẩm trên, từ năm 2016 Công ty TNHH Long Hải đã tập trung nghiên cứu thị trường, thử nghiệm, lắp đặt thiết bị chế biến sản phẩm cũng như tìm kiếm vùng nguyên liệu. Công ty TNHH Long Hải đã đầu tư 10 triệu USD xây dựng một nhà máy hoàn toàn mới với dây chuyển khép kín, hiện đại bậc nhất Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đã ký kết bao tiêu sản phẩm với bà con xã Y Tý, huyện Bát Sát, Lào Cai với giá cao hơn thị trường 10% và ứng trước cho bà con 10% chi phí phân bón, giống vốn đầu tư cho mô hình canh tác hữu cơ, đảm bảo yêu cầu nguyên liệu đầu vào sạch, cung cấp cho dây chuyền sản xuất nước ép đóng chai.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Long Hải cho biết, chỉ khi thúc đẩy ngành chế biến nông sản phát triển mạnh mẽ, bài toán tồn đọng nông sản mới được tháo gỡ. “Việt Nam có nguồn rau củ quả dồi dào sẽ là nguồn nguyên liệu tốt cho việc tạo các loại nước ép chất lượng, bổ dưỡng. Công ty chúng tôi sẽ cùng các nhà khoa học, bà con nông dân… hướng việc canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ bền vững, tạo nguyên liệu sạch, an toàn cho sức khỏe. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng sang các loại nước ép khác: dưa hấu, thanh long… góp phần đảm bảo đầu ra cho nông dân tại thị trường nội địa, không quá phụ thuộc thị trường nước ngoài” – ông Nguyễn Văn Thành cho biết.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai phát biểu tại lễ ra mắt hai sản phẩm mới của Công ty TNHH Long Hải
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai cho rằng, mối liên kết sản xuất giữa nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà quản lý đã mang lại tín hiệu đáng mừng cho đầu ra của nông sản Việt.
“Được mùa mất giá mà được giá mất mùa, đó là câu chuyện lập đi, lập lại nhiều năm nay. Chỉ khi thúc đẩy ngành chế biến nông sản phát triển, lúc đó bài toán nông sản mới được tháo gỡ” – Ông Tuấn nhấn mạnh.
Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai cho hay, bà con xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai vừa ký kết với Công ty TNHH Long Hải bán củ sâm Fansipan với giá cao hơn thị trường. Đồng thời, công ty ứng trước cho bà con 10% chi phí phân bón, giống vốn đầu tư cho mô hình canh tác hữu cơ, đảm bảo yêu cầu nguyên liệu đầu vào sạch.
Củ sâm Fansipan được di thực từ một loài sâm Tây Tạng, trồng ở dãy núi Hoàng Liên Sơn có độ cao trên 1600m so với mực nước biển, trước đây bà con ở xã Y Tý, huyện Bát Sát, Lào Cai chỉ trồng và bán nhỏ lẻ thì nay 4 nhà (nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà quản lý) cùng liên kết nghiên cứu và chế biến thành nước ép từ củ sâm và cây rong sụn ở vùng biển miền trung của Công ty TNHH Long Hải.
“Ngoài việc bà con trồng sâm được thu mua bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý, đảm bảo lợi nhuận, công ty còn hướng đến canh tác hữu cơ. Việc này sẽ giúp địa phương có thêm sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường”, ông Tuấn nhận định.
Công ty TNHH Long Hải đầu tư hệ thống dây chuyền hiện đại đem đến cho người tiêu dùng một sản phẩm chất lượng cao
Ông Trần Văn Quân - Chủ tịch Ủy viên, GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, việc Công ty TNHH Long Hải ra mắt 2 dòng sản phẩm mới không chỉ góp phần tạo ra chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản mà còn giúp nâng cao giá trị nông sản, cải thiện đời sống, thu nhập cho người nông dân trong và ngoài tỉnh.
Công ty TNHH Long Hải được thành lập vào năm 2000. Với thương hiệu thạch rau câu nổi tiếng được vinh danh là Thương hiệu Quốc gia năm 2019, 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vào năm 2014 "Đã có thành tích trong công tác từ năm 2011 tới năm 2013, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc"; "Đã có thành tích trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ" và đạt "Giải vàng chất lượng quốc gia" năm 2014, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc" năm 2015. Cuối năm 2019, Công ty TNHH Long Hải vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba "Đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2014 đến 2018 góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc".
Công ty TNHH Long Hải hiện có 2 nhà máy sản xuất: Tại Cụm Công nghiệp 1, xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương trên nền diện tích 2,6ha và tại Cụm công nghiệp, khu 2 phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương trên nền diện tích 6000m2. Công ty Cp rau câu Sơn Hải tại thôn Suối Đá, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận là công ty con của Công ty TNHH Long Hải được thành lập từ năm 2011 với nhiệm vụ chính là chế biến rong sụn thành nguyên liệu chính để phục vụ sản xuất sản phẩm của Công ty TNHH Long Hải.
Bùi Tú