Bộ phận nghiên cứu Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) vừa có báo cáo cập nhật về các KCN cho thấy đã có những tín hiệu khởi sắc từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khi tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm vào các KCN 4 tháng đầu năm đạt 9,8 tỉ USD, tăng 32% so với cùng kỳ.

Theo SSI Research, dịch Covid-19 mở ra bước ngoặt mới, với mục đích giảm thiểu sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng làm gia tăng cấp bách nhu cầu đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác sẽ diễn ra nhanh chóng hơn. Các doanh nghiệp (DN) lớn như Pegatron, Amazon và Home Depot bắt đầu có hoạt động tuyển dụng và tìm kiếm chuỗi cung ứng, cho thấy Việt Nam là một trong những điểm đến trong quá trình dịch chuyển, bên cạnh các quốc gia tiềm năng khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia.

Kinh doanh phát triển kinh tếKinh doanh phát triển kinh tế

"So sánh với Indonesia, nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc thu hút FDI, Việt Nam có lợi thế ở gần Trung Quốc nên khoảng cách vận chuyển thuận lợi hơn. Việt Nam cũng rất hỗ trợ DN, có nhiều ưu đãi cho các dự án FDI lớn và rất nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, còn Indonesia không tham gia. Ngay VNĐ gần đây cũng rất ổn định nếu so sánh với đồng tiền của Indonesia" - SSI Research nhận định.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu để sớm trình đề án triển khai Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, nhằm có những chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam.

Tổ chức Fitch Ratings (Fitch), là một trong 3 tổ chức xếp hạng thống kê hàng đầu thế giới đã điều chỉnh triển vọng của Việt Nam từ mức tích cực sang mức ổn định và giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB. Triển vọng được sửa đổi cho thấy tác động leo thang của đại dịch COVID-19 với nền kinh tế Việt Nam trong các lĩnh vực xuất khẩu và du lịch, cũng như sức cầu trong nước yếu đi. Xếp hạng của Fitch khẳng định viễn cảnh tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn của Việt Nam dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, mức nợ chính phủ thấp và khu vực kinh tế đối ngoại có khả năng chống chịu, bao gồm cả dự trữ ngoại hối ở mức khá lớn. 

Liên quan tới kinh tế Việt Nam, trong bảng xếp hạng sức khỏe tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi của  The Economist, Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau dịch COVID-19 nhờ các chỉ số tài chính ổn định.

Bảng xếp hạng của tạp chí The Economist dựa trên 4 chỉ số sức mạnh tài chính, bao gồm nợ công, nợ nước ngoài, chi phí đi vay và dự trữ ngoại hối. Theo đó, hơn 30 nền kinh tế mới nổi đang đối mặt với áp lực lớn, tệ nhất là Lebanon và Venezuela.

PV