Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố trưa nay (14/10), ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị các đơn vị Quân đội tăng cường lực lượng hỗ trợ người dân tại các điểm ngập sâu. Trước 16 giờ hôm nay (14/10) phải hoàn thành sơ tán người dân ở khu vực nguy cơ ngập sâu, sẵn sàng đối phó với đợt mưa mới.

Báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng cho biết, tổng lượng mưa từ 19h ngày 12/10 đến 04h ngày 14/10 tại thành phố Đà Nẵng phổ biến từ 200-450mm, riêng Suối Đá (Sơn Trà) 481,6mm; Khe Cạn (Thanh Khê) 468,2mm, Hòa Phát (Cẩm Lệ) gần 500mm. Toàn thành phố có 47 khu vực ngập từ 0,3 đến 0,5 mét, có nơi ngập sâu đến 1,5 mét như khu vực Khe Cạn, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê; khu vực đường Mẹ Suốt, phường Hòa Khánh Nam quận Liên Chiểu, có điểm ngập đến 2 mét.

Lần đầu tiên trong lịch sử, cơ quan khí tượng đưa ra mức cảnh báo mưa lớn cao nhất cho Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.
Lần đầu tiên trong lịch sử, cơ quan khí tượng đưa ra mức cảnh báo mưa lớn cao nhất cho Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế

Suốt đêm hôm qua và sáng nay, các lực lượng cứu hộ đã hỗ trợ sơ tán 3.700 người ở vùng ngập sâu đến nơi cao, nhiều nhất là tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu với 3000 người. Ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cho biết, nhiều hệ thống thoát nước trên địa bàn quận bị tê liệt, quá tải, không đáp ứng năng lực thoát nước. Hiện nay, phường Hòa Khánh Bắc chưa có hệ thống thoát nước, đường số 4 tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh biến thành kênh thoát nước, tạo thành dòng chảy mạnh, gây xói lở.

Những ngày qua, mưa lớn diễn ra ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt là tại Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế trong nhiều ngày qua, đỉnh điểm từ chiều 12/10, dự báo kéo dài trong nhiều ngày tới. Chỉ tính riêng từ 19h ngày 13/10 đến 8h ngày 14/10 có nơi mưa trên 250mm như Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 253.2mm, Hòa Phú (Đà Nẵng) 339.4mm, Hòa Phong (Đà Nẵng) 298.2mm, Núi Thành (Quảng Nam) 257.8mm.

Dự báo từ ngày 14/10 đến sáng 16/10, khu vực Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 400mm, khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 300-500mm, có nơi trên 800mm. Khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 70-120mm, có nơi trên 150mm.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, giai đoạn từ ngày 16-17/10, do tác động của vùng áp thấp gần bờ kết hợp nhiễu động gió Đông nên khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa lớn 150-300mm, có nơi trên 700mm. Sau ngày 17/10 mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và diễn biến phức tạp.

Sơ tán người dân khỏi vùng ngập lụt. (Ảnh: Hoàng Vinh)
Sơ tán người dân khỏi vùng ngập lụt. (Ảnh: Hoàng Vinh)

Trước tình hình mưa lớn kéo dài, lần đầu tiên trong lịch sử, cơ quan khí tượng phát đi cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 (nâng một cấp so với ngày hôm qua) ở Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế do mưa lớn. Tỉnh Quảng Nam hứng chịu rủi ro thiên tai cấp 3. Ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế hứng chịu rủi ro thiên tai cấp 2, Hà Tĩnh cấp 1.

Theo quy định của Việt Nam, rủi ro thiên tai gồm 5 cấp, trong đó cấp 3 là rủi ro thiên tai lớn, cấp 4 là rủi ro thiên tai rất lớn, cấp 5 là mức thảm họa thiên tai.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, nguyên nhân của đợt mưa lớn này là do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh phía Bắc liên tục tràn xuống, tương tác với một dải hội tụ nhiệt đới trên cao đi qua khu vực Trung Bộ, cùng lúc trên các tầng khí quyển trên cao từ 1.500 - 5.000 m, có đới gió Đông hoạt động mạnh. Tổ hợp hình thái thời tiết này đã gây ra đợt mưa lớn trên diện rộng khu vực miền Trung.

Đồng thời, thời tiết tháng 10 là một trong những tháng mưa lớn nhất trong năm ở miền Trung. Do đó, từ 11/10 đến nay, ở Bắc và Trung Trung Bộ liên tiếp xảy ra lượng mưa rất lớn, trong đó khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam là trọng tâm.

Để chủ động ứng phó với vùng áp thấp, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo, để có thông báo kịp thời đến các chủ phương tiện hoạt động trên biển. Đồng thời, các đơn vị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để nhanh chóng xử lý khi có tình huống.

Thiên Trường