Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kiểm tra và chỉ đạo trực tiếp công tác cứu nạn tại khu vực sạt lở đất Km 49, Quốc lộ 2

Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân

Sáng 30/9, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã đi kiểm tra và trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Việt Vinh (Bắc Quang). Cùng đi có đồng chí Lại Tiến Giang, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành và huyện Bắc Quang.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã đi kiểm tra tại khu vực sạt lở đất, đá nghiêm trọng ở Km49, Quốc lộ 2, địa phận thôn Nậm Buông và kiểm tra tình hình khắc phục thiên tai tại thôn Thượng Mỹ, xã Việt Vinh. 

Tại hiện trường sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chỉ đạo tất cả các đơn vị, địa phương huy động tối đa lực lượng và phương tiện như máy múc, xe tải, khẩn trương, cấp bách tìm kiếm người mất tích. 

Đồng thời, chia làm 2 mũi thi công thực hiện múc, hót, san gạt đất, đá ở 2 đầu khu vực sạt lở trên Quốc lộ 2, đảm bảo thông tuyến trong thời gian sớm nhất. 

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn động viên các lực lượng cứu nạn

Kiểm tra thực tế tại thôn Thượng Mỹ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” kịp thời hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống. 

Đến thăm, động viên cán bộ, chiến sỹ và các lực lượng đang làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại khu vực sạt lở trên Quốc lộ 2, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn yêu cầu các lực lượng tiếp tục nỗ lực, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kịp thời, hiệu quả để thực hiện cứu nạn nhanh nhất. 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, mỗi cá nhân, đơn vị phải đảm bảo an toàn tuyệt đối và có phương án ứng phó khi có sự cố bất ngờ có thể xảy ra. 

Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên sức khỏe và tinh thần các nạn nhân vụ sạt lở đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Quang.

 

Theo lực lượng chức năng, sau hơn 1 ngày tìm kiếm, đến 9 giờ 30 phút sáng 30/9 đã tìm thấy 1 nạn nhân trong vụ sạt lở tại Km49, Quốc lộ 2. 

Hiện, các lực lượng đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân đang mất tích và triển khai xử lý khối lượng đất, đá sạt lở.

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 3.

CBCS Công an huyện Bắc Quang và lực lượng chức năng đang tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người dân bị mắc kẹt do mưa lớn gây sạt lở nhà dân

Sạt lở đất làm 3 người chết và mất tích; 4 người bị thương

Cơ quan chức năng huyện Bắc Quang (Hà Giang) thông tin: Vụ sạt lở nghiêm trọng tại Quốc lộ 2, Km 51 ở xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang vào sáng 29/9 đã làm 1 người chết, 2 người mất tích và 4 người bị thương.

Có 5 ngôi nhà bị sập; 6 phương tiện đang lưu thông bị hàng nghìn m3 đất đá sạt đẩy xuống ta luy âm, trong đó có 1 xe khách, 2 xe tải, 3 xe con và nhiều xe máy.

Tính đến 16 giờ chiều 29/9, các lực lượng chức năng đã cứu được 4 người bị thương. Trong đó, 3 người bị thương được đưa đi cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Quang, 1 người được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên.

Ngay sau khi nhận được thông tin vụ sạt lở, Công an tỉnh Hà Giang đã huy động đông đảo cán bộ, chiến sỹ, phương tiện đặc chủng khẩn trương xuống khu vực sạt lở thực hiện cứu nạn cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân di dời đến nơi an toàn.

Đồng thời bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực sạt lở, tuyệt đối không cho người dân đi lại qua các khu vực sạt lở nghiêm trọng để đảm bảo an toàn.

Cùng với lực lượng Công an, gần 100 cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 877 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) và Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bắc Quang khẩn trương đến xã Việt Vinh tiếp cận hiện trường để ứng cứu người, phương tiện đang bị kẹt và tìm kiếm người mất tích.

Hiện nay, diện tích đồi ở khu vực sạt lở tiếp tục xuất hiện vết nứt lớn, nguy cơ sạt lở có thể tiếp diễn. Có 17 hộ dân nằm trong diện nguy cơ cao bị sạt lở đã được cấp ủy, chính quyền địa phương di dời đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Văn Giao, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngành Y tế Hà Giang đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Khu vực huyện Bắc Quang bố trí 2 đội cấp cứu lưu động, 2 xe cấp cứu của Bệnh viện, 1 xe cấp cứu của Phòng khám đa khoa Trí Đức cùng 1 xe, một đội cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên hỗ trợ cấp cứu các nạn nhân.

Đặc biệt, ngành Y tế Hà Giang chỉ đạo các đơn vị y tế không thu tiền viện phí, tập trung cao độ cho việc cứu chữa, cung cấp suất ăn miễn phí cho các nạn nhân của vụ sạt lở...

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 4.

Người dân xã Việt Vinh di dời tài sản đến nơi an toàn

Xã Việt Vinh di dời khẩn cấp 46 hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao

Tối 29/9, xã Việt Vinh đã vận động, thực hiện di dời khẩn cấp 46 hộ dân với hơn 170 khẩu tại thôn Thượng Mỹ do bị ảnh hưởng thiên tai và nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao.

Các hộ dân được di dời, bố trí ở tạm thời tại Nhà văn hóa thôn Tân Mỹ. Ngoài ra, 10 hộ dân của thôn Tân Mỹ có nguy cơ bị ảnh hưởng cũng đã chủ động di dời đến nhà ở của người thân có khu vực an toàn.

Bí thư Đảng ủy xã Việt Vinh Hoàng Quang Hùng cho biết: Khu vực được di dời vừa xảy ra lũ quét nên có nguy cơ sạt lở rất cao. 

Sau khi rà soát, xã huy động dân quân và các lực lượng tại chỗ hỗ trợ Nhân dân nhanh chóng vận chuyển tài sản đến nhà văn hóa thôn Tân Mỹ. 

Xã cũng bố trí các tổ thiện nguyện, lực lượng đoàn viên thanh niên hỗ trợ, tiếp tế lương thực, thực phẩm đảm bảo cung cấp cho người dân tại khu vực ở tạm thời.

Khẩn trương tìm kiếm người mất tích

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 5.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai

Ngày 29/9, các đồng chí: Quyền Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng; Hoàng Gia Long, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo huyện Bắc Quang kịp thời có mặt tại hiện trường, nắm bắt tình hình, trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 6.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hoàng Gia Long chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tại hiện trường

Vụ sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Với khối lượng đất, đá lớn lên đến hơn 20.000 m3 vùi lấp toàn bộ khoảng 150m chiều dài tuyến Quốc lộ 2, khiến giao thông tê liệt hoàn toàn.

 
Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 7.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh đề nghị ngành Giao thông – Vận tải khẩn trương xây dựng phương án phân luồng giao thông

Nghiêm trọng hơn, đất đá sạt lở xuống khu vực dân cư khiến 1 người chết, 4 người bị thương, 1 người nghi mất tích; 1 xe khách giường nằm, 2 xe ô tô con, 3 xe tải, 1 số xe máy của người dân sống gần khu vực đó và người dân khi di chuyển qua đường bị hư hại. Ngoài ra, 5 nhà ở của người dân bị vùi lấp hoàn toàn.

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 8.

Phương tiện bị mắc kẹt tại hiện trường

Do đất từ taluy dương của Quốc lộ 2, gần điểm sạt lở xuất hiện thêm vết nứt rộng khoảng 2m, có nguy cơ sạt lở cao, đe dọa đến sự an toàn về nhà ở của 19 hộ dân. Để đảm bảo an toàn trong quá trình tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, lực lượng chức năng đã phong tỏa hiện trường, cấm phương tiện và người dân đến gần khu vực sạt lở.

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 9.

Vụ sạt lở khiến nhiều phương tiện giao thông bị hư hại

Công tác cứu hộ đang ưu tiên tìm kiếm người dân mất tích; khẩn trương di dời các hộ dân có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Riêng ngành Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng phương án phân luồng giao thông.

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 10.

Nhà ở của người dân bị sập đổ hoàn toàn

Đến 16 giờ 40 phút chiều 29/9, lực lượng “4 tại chỗ” của xã Đồng Tâm đã tìm thấy thi thể cháu Mai Thị Minh Trang để bàn giao cho gia đình lo hậu sự.

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 11.

Còn tại xã Việt Vinh, sau nhiều giờ tìm kiếm, lực lượng chức năng đã bàn giao thi thể chị Tạ Thị H. (sinh năm 1971), trú tại thôn Nậm Buông (bị đất đá vùi lấp) để gia đình mai táng theo phong tục địa phương.

Như vậy, tính đến 16 giờ chiều 29/9, trên địa bàn huyện Bắc Quang ghi nhận 2 trường hợp thiệt mạng do thiên tai gây ra như đã nói ở trên.

3 người mất tích tại điểm sạt lở trên tuyến Quốc lộ 2 gồm các anh: Nguyễn Anh Tuấn (sinh năm 1992), trú tại thôn Nậm Buông (xã Việt Vinh); Nguyễn Viết Thuộc (chưa rõ năm sinh), trú tại thôn Tân Tiến (xã Tân Quang). 

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 12.
Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 13.

Còn chị Vần Thị Xưởng (sinh năm 1970), trú tại thôn Thượng Mỹ (xã Việt Vinh) mất tích do nước lũ cuốn trôi. Ngoài ra, 8 người dân bị thương do sạt lở đất; trong đó, có 3 người dân tại xã Việt Vinh, Đồng Tâm và 5 người trên xe khách chưa xác định được danh tính. 

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 14.

Huy động tối đa nhân lực, vật lực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ

Riêng về nhà ở, tại xã Việt Vinh có 8 nhà đổ sập hoàn toàn; 8 nhà ở bị thiệt hại trên 50%; 22 nhà ở bị ảnh hưởng do nước lũ tràn qua.

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 15.

Thiệt hại về nông lâm nghiệp, thủy sản: Cây lúa diện tích ảnh hưởng, thiệt hại: 24,05 ha (trong đó 4ha tại xã Kim Ngọc; 0,05 ha xã Hữu Sản; 5 ha xã Việt Vinh; 15 ha tại xã Đồng Tâm). Về chăn nuôi nhiều gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi.

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 16.

Về Thủy sản: Nước lũ dân cao là tràn, vỡ bờ ao tỷ lệ thiệt hại trên 70% là 4,15 ha (xã Kim Ngọc 0,5 ha; xã Việt Vinh 3,5 ha; xã Liên Hiệp 0,15 ha). Tổng thiệt hại ước tính trên 20 tỷ đồng.

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 17.

Bộ Y tế giao Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bạch Mai hỗ trợ điều trị nạn nhân vụ sạt lở

Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nhận được thông tin qua báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Giang về vụ việc sạt lở "đất đá từ taluy dương trên quốc lộ 2 đoạn qua xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang sạt xuống khu dân cư và mặt đường, vùi lấp nhiều nhà và xe ô tô vào 10 giờ ngày 29/9/2024" làm nhiều người bị thương và đã có 2 trường hợp tử vong.

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 18.

Ngay trong chiều 29/9, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã có văn bản gửi Sở Y tế Hà Giang; Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về việc tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời người bị tai nạn.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đánh giá cao Sở Y tế Hà Giang đã nhanh chóng điều động các đơn vị trực thuộc (Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Quang bố trí 2 đội cấp cứu lưu động, 2 xe cấp cứu của bệnh viện, 1 xe cấp cứu của Phòng khám đa khoa Trí Đức) để cấp cứu tại chỗ, vận chuyển người bệnh đến các bệnh viện cấp cứu, điều trị.

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 19.

CBCS Công an huyện Bắc Quang và lực lượng chức năng đang tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người dân bị mắc kẹt do mưa lớn gây sạt lở nhà dân

Đồng thời đề nghị Sở Y tế Hà Giang khẩn trương tiếp tục tích cực chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc và phối hợp với các bệnh viện tuyến trên, các đơn vị liên quan huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, dịch truyền phương tiện cấp cứu, xử trí, cứu chữa người bị nạn, bảo đảm việc cứu chữa được kịp thời nhằm hạn chế tối đa số người tử vong; tập trung cứu chữa, quan tâm chăm sóc về sức khỏe, ổn định tâm lý cho người bị nạn vượt qua khủng hoảng.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh lưu ý, trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn phải phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện tuyến trên, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trong việc chuyển tuyến, hội chẩn chuyên môn, khám chữa bệnh từ xa qua telehealth để theo dõi điều trị cho nạn nhân.

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 20.

Công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người dân bị mắc kẹt do mưa lớn gây sạt lở nhà dân rất khẩn trương

Cùng đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh giao Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai chủ động hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật, khi cần thiết sẵn sàng cử cán bộ chuyên môn phối hợp với ngành y tế Hà Giang cứu chữa các trường hợp nặng.

Trong trường hợp cần thiết hỗ trợ thuốc, máu, dịch truyền, phương tiện cấp cứu, vật tư trang thiết bị y tế cho Sở Y tế Hà Giang để cứu chữa nạn nhân.

Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đề nghị Sở Y tế Hà Giang sớm tổng hợp báo cáo gửi về Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cập nhật diễn biến của việc cứu chữa người bị nạn và các ý kiến đề xuất, kiến nghị với Bộ Y tế nhằm bảo đảm công tác cấp cứu, điều trị cho nạn nhân vụ việc.

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 21.

Tập trung nhân lực, vật lực khắc phục sạt lở đất tại Km 49, Quốc lộ 2

 

Phân luồng giao thông tại khu vực sạt lở trên tuyến Quốc lộ 2, đoạn qua xã Việt Vinh

Chiều 29/9, Sở Giao thông vận tải Hà Giang đã có phương án phân luồng, tổ chức giao thông tránh vị trí sạt lở tại Km 49, Quốc lộ 2, đoạn qua địa phận thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh (Bắc Quang).

Cụ thể, các phương tiện: Xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, xe con, xe tải ben trọng tải dưới hoặc bằng 8 tấn, xe tải thùng trọng tải dưới 3,5 tấn, xe khách dưới hoặc bằng 29 chỗ, lưu thông trên Quốc lộ 2 đến Km 269 → rẽ trái đi xã Ngọc Linh → xã Bạch Ngọc → xã Thượng Bình → xã Kim Ngọc rẽ phải vào Quốc lộ 279 đi thẳng ra Quốc lộ 2 tại Km 225+650 (ngã 3 Pắc Há) và chiều ngược lại. Thời gian phân luồng kể từ ngày 29.9 cho đến khi có thông báo lại.

Trước đó, khoảng 9 giờ sáng 29/9, tại Km 49, Quốc lộ 2 xảy ra sạt lở taluy dương nền đường với khối lượng lớn đất, đá gây ách tắc giao thông. 

Hiện nay, lực lượng chức năng đang triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai trên tuyến.

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 22.

Huy động lực lượng "bốn tại chỗ" khẩn trương cứu nạn vụ sạt lở

Từ đêm 27/9 đến 9h00' sáng 29/9, trên địa bàn huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang có mưa to đến rất to kèm theo dông, sét tại một số xã, thị trấn: Thượng Bình, Đồng Tâm, Việt Vinh, Hữu Sản, Kim Ngọc, Tân Lập, Tân Thành... gây ảnh hưởng, thiệt hại đến tài sản của nhân dân.

Thông tin từ Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cho biết, đến 9h sáng 29/9, nước lũ cuốn trôi bà Vần Thị Xưởng, SN 1970; trú tại thôn Thượng Mỹ, xã Việt Vinh. Hiện tại Ban chỉ huy PCTT và TKCN xã Việt Vinh đang huy động lực lượng chức năng tìm kiếm.

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 23.

Vụ sạt lở khiến nhiều phương tiện bị xô đẩy, một số ô tô bị lật...

Tại xã Đồng Tâm, sạt taluy dương vùi lấp nhà bếp hộ gia đình ông Mai Ngọc Thắng, thôn Bản Buốt, xã Đồng Tâm. Trong nhà lúc này có cháu Mai Thị Chang, học sinh lớp 5 chưa thoát ra ngoài được. Hiện, các lực lượng đang tiếp cận hiện trường để tổ chức tìm kiếm.

Mưa lũ cũng làm nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Bắc Quang bị ảnh hưởng. Trong đó, tại Km 51, Quốc lộ 2 đoạn qua xã Việt Vinh, nước lũ tràn qua đường với độ sâu khoảng 1m gây ách tắc giao thông.

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 24.

Nhiều tuyến đường liên thôn tại các xã Thượng Bình, Hữu Sản, Việt Vinh, Đồng Tâm bị sạt lở, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân.

Riêng tại xã Đồng Tâm, các tuyến đường liên thôn Bản Buốt, Pha nước lũ dâng cao, có đoạn ngập sâu trên 2m, làm ách tắc giao thông.

Hiện nay, huyện Bắc Quang đang huy động lực lượng “4 tại chỗ” khẩn trương tìm kiếm cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai; di dời các hộ dân đã bị và có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở đất đến khu vực an toàn.

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 25.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Công an huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã bố trí lực lượng tiếp cận hiện trường nắm bắt tình hình, xác minh thiệt hại và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, giúp các hộ dân có nhà ở nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở di chuyển về nơi an toàn.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, xác định người dân bị mắc kẹt trong nhà dân, trong các phương tiện ô tô... đưa ra ngoài. Hiện công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do nhiều đoạn đường trên địa bàn đang bị sạt lở...

Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Giang bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát, hướng dẫn phân luồng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lớn, ngập úng, sạt lở đất gây ra.

Sạt lở đất ở Hà Giang: Cấp bách tìm kiếm cứu nạn, khẩn trương thông tuyến, đảm bảo an dân- Ảnh 26.

Xe con bị lật sau vụ sạt lở

Chủ động ứng phó với ứng phó với mưa lớn khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo chủ động ứng phó với mưa lớn khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều tối và đêm 28/9/2024, vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 80mm.

Từ chiều tối 29/9 đến 30/9/2024, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm. 

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên sườn dốc và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung sau:

1.Theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

2.Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy; chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

3.Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

4.Tổ chức vận hành và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. 

Sẵn sàng phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động. Kiểm tra, rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản.

5.Sẵn sàng phương án tiêu nước chống úng bảo vệ sản xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, khu tập trung dân cư.

6.Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

7.Chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến, bản tin cảnh báo, dự báo mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

8.Trực ban nghiêm túc (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).

Hương Thủy (Nguồn: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/)