Mới đây, công văn được cho của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển dự án BĐS Smartland (Công ty Smartland) gửi Ban giám đốc Đài truyền hình Việt Nam về việc “Đề nghị kênh VTV9 gỡ phóng sự và đính chính thông tin sai sự thật về công ty” đang gây chú ý dư luận bởi những lời lẽ mang tính chất uy hiếp, dọa nạt.

Người ký công văn được cho là ông Vũ Đức Tĩnh, chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Smartland. Ông Vũ Đức Tĩnh hiện là người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển dự án BĐS Smartland, trụ sở tại số 11 Nguyễn Bính, khu phố Nam Thiên 2, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM.Sau lùm xùm truy sát 'nhà đài', Smartland vẫn công khai huy động vốn - Hình 1

Trong khi đang dính nhiều nghi vấn về đa cấp bất động sản (BĐS) và việc đe dọa truy sát cán bộ, nhân viên VTV9 nhưng Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển dự án BĐS Smartland, vẫn công khai chào mời nhà đầu tư hợp tác góp vốn và được chia lợi nhuận sau 24 tháng. Ảnh minh họa

Phóng sự phản ánh nhiều người dân đầu tư vào Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Thái Tuấn (Công ty Thái Tuấn) với hứa hẹn được trả lãi suất 30%/tháng. Nhận lãi được 3 tháng thì công ty không trả nữa và công ty “biến mất”.

Theo lãnh đạo VTV9, Công ty Thái Tuấn sau đó đã đổi tên thành Công ty Smartland rồi Happy Moments và tiếp tục chiêu trò tổ chức hội thảo, lôi kéo thêm nhiều người tham gia.

Sau khi phóng sự được phát sóng vào trưa 13.8, Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TP.HCM nhận được công văn của Công ty Smartland cho rằng đài đưa thông tin sai sự thật, vu khống, bịa đặt. Đồng thời, công ty này còn yêu cầu nhà đài không đưa thông tin tiếp, nếu không sẽ truy sát gia đình giám đốc và cán bộ, nhân viên liên quan đến phóng sự.Sau lùm xùm truy sát 'nhà đài', Smartland vẫn công khai huy động vốn - Hình 2

Nhưng đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển dự án BĐS Smartland (viết tắt Công ty Smartland - lầu 9 tòa nhà Kicotrans, 46 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM), do ông Vũ Đức Tĩnh làm Chủ tịch HĐQT, vẫn công khai chào mời nhà đầu tư hợp tác góp vốn và được chia lợi nhuận sau 24 tháng.

Nhìn vào chiêu thức mời gọi đầu tư của Công ty Smartland không khó để nhận ra chúng rất giống với hoạt động của Công ty TNHH Đầu tư Dịch vụ và Thương mại Thái Tuấn và Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ địa ốc Greenland (Greenland) cũng do Vũ Đức Tĩnh làm chủ. Nhiều người cho rằng đây thực chất là chiêu 've sầu thoát xác' của ông Tĩnh nhằm qua mặt nhà đầu tư.Sau lùm xùm truy sát 'nhà đài', Smartland vẫn công khai huy động vốn - Hình 3

Thực tế cho thấy hợp đồng của Công ty Smartland, Greenland thể hiện mục đích sử dụng số tiền của người hợp tác để xây dựng các dự án BĐS. Còn hợp đồng của Công ty Thái Tuấn thể hiện mục đích xây dựng các chuỗi kinh doanh dịch vụ và sản xuất (nhà hàng, khách sạn, trung tâm tiệc cưới, tour du lịch…).

Điểm đáng chú ý là cả 3 hợp đồng của 3 công ty (Smartland, Greenland và Thái Tuấn) đều do ông Vũ Đức Tĩnh ký với chức danh giám đốc. Mỗi hợp đồng đều có 23-25 điều khoản và hơn 20 điều khoản có tiêu đề giống nhau. Trong đó, các điều khoản về phân chia lợi nhuận, chuyển nhượng hợp đồng, tạo việc làm… cho người hợp tác kinh doanh giống nhau đến từng câu chữ, con số…

Đặc biệt, hợp đồng 3 công ty (Smartland, Greenland và Thái Tuấn) đều ràng buộc người hợp tác kinh doanh chỉ được chia lợi nhuận với điều kiện người đó cam kết tiêu thụ sản phẩm, sử dụng dịch vụ, giao dịch BĐS giảm giá 15% thường xuyên, đồng thời giới thiệu người khác tiêu thụ sản phẩm, sử dụng dịch vụ, giao dịch BĐS của các công ty Smartland, Greenland và Thái Tuấn.

Tuy nhiên, hợp đồng Công ty Smartland có sự khác biệt nhỏ đó là tùy vào tình hình kinh tế thị trường, Công ty Smartland có thể điều chỉnh chi trả lợi nhuận cho người góp vốn bằng tiền ảo (coin), cổ phiếu, hàng hóa, BĐS…; số lần điều chỉnh tối đa 10 lần trong vòng 360 ngày…

Đề cập việc Công ty Smarland cũng chia lợi nhuận bằng tiền ảo, cổ phiếu, LS-TS Bùi Quang Tín (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết điều 206 Bộ Luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017, quy định từ ngày 1-1-2018, người nào có hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại coin tương tự) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. "Do đó, doanh nghiệp huy động vốn từ người dân rồi thanh toán lợi nhuận bằng coin là vi phạm pháp luật" - ông Tín nhận định.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán khẳng định các văn bản pháp luật không có khái niệm, quy định về cổ phiếu nội bộ. Do đó, chủ doanh nghiệp huy động vốn, rồi cấp giấy chứng nhận cổ phiếu nội bộ cho người góp vốn là không hợp pháp. Bởi Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán quy định doanh nghiệp huy động vốn trên 10 tỉ đồng, số lượng trên 100 nhà đầu tư phải được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp phép kêu gọi vốn, phát hành cổ phiếu, trong đó không có cổ phiếu nội bộ.

 Hải Đăng