Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong đợt điều chỉnh này, thương hiệu thép Mỹ là doanh nghiệp có mức giảm mạnh nhất. Cụ thể, thép cuộn CB240, giảm 710.000 đồng/tấn, xuống mức 16,3 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 giảm 720.000 đồng/tấn, còn khoảng 16,5 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Hòa Phát cũng được điều chỉnh giảm lần lượt 300.000 đồng/tấn và 410.000 - 510.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tùy từng miền, xuống còn 16,6 triệu đồng/tấn và 17 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Việt Đức cũng giảm lần lượt 310.000 đồng/tấn và 400.000 đồng/tấn với dòng sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, còn 16,5 triệu đồng/tấn và 17 triệu đồng/tấn.

Thép miền Nam cũng giảm 410.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, xuống mức 16,9 triệu đồng/tấn và giảm 300.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, còn gần 17,5 triệu đồng/tấn.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), giá thép giảm là điều đáng mừng, bởi thị trường xây dựng phụ thuộc rất lớn vào thị trường vật liệu xây dựng, trong đó thép chiếm tỷ lệ không nhỏ. Giá thép giảm giúp các nhà thầu bớt căng thẳng, áp lực.

Nhận định về tình hình giá thép xây dựng thời gian tới, đại diện VACC cho rằng giá mặt hàng này sẽ có nhiều biến động, khó dự báo khi xung đột Nga - Ukraine vẫn diễn biến phức tạp, giá nhiều mặt hàng trên thế giới tăng cao… tác động đến giá thép trong nước.

"Giá thép biến động tăng hay giảm vẫn là một ẩn số. Do đó, đợt hạ nhiệt giá thép những ngày gần đây sẽ khó giúp nhà thầu xây dựng trong nước giảm bớt khó khăn, bởi ngoài giá thép xây dựng cao, nhà thầu còn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức khác", đại diện VACC nhận định.

Minh Đức