Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 1/2024, xuất khẩu nhóm mặt hàng rau quả đã mang về trên 510 triệu USD, tăng tới 89% so với cùng kỳ năm ngoái. Sang tháng 2/2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng rau quả đã đạt 460 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhìn chung, xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng mạnh tới 70%, đạt giá trị 970 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực bao gồm dừa tươi, thanh long, bưởi, chuối, chanh dây, xoài, sầu riêng.

2 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả tiếp đà tăng cao
2 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả tiếp đà tăng cao

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2024, sầu riêng, dừa, chuối, xoài, thanh long vẫn là những mặt hàng chiến lược của Việt Nam. Trong đó, sầu riêng được đánh giá là thế mạnh, khi có đến 708 vùng trồng và 168 cơ sở đóng gói được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, để đón đầu cho các sản phẩm sẽ được ký Nghị định thư như chanh dây, dừa và sầu riêng đông lạnh, các doanh nghiệp đã có bước chuẩn bị.

"Năm 2024, sẽ có thêm mã số vùng trồng sầu riêng được cấp và một số mặt hàng mới như sầu riêng đông lạnh, dừa tươi... nếu đàm phán thành công ngay từ đầu năm, sẽ góp thêm 1 tỷ USD kim ngạch cho Việt Nam", ông Nguyên nói và phân tích thêm, sản lượng sầu riêng của Việt Nam lợi thế hơn nhiều nước bởi trồng gối vụ, sản lượng có quanh năm. "Không những thị trường Trung Quốc, mà cả các thị trường khác. Năm 2024, ngành rau quả có nhiều cơ hội đạt được kỷ lục mới", Tổng Thư ký Vinafruit nhận định

Mặc dù tăng trưởng tốt nhưng nhiều chuyên gia cũng nhận định ngành rau quả ẩn chứa nhiều rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Mặt khác, khả năng chế biến sâu còn hạn chế, nhiều trường hợp còn giả mã số vùng trồng...

Với khu vực ASEAN, Việt Nam có lợi thế vị trí địa lý thuận lợi, thời gian vận chuyển nhanh, giảm tối đa nguy cơ rủi ro ảnh hưởng tới chất lượng rau quả. Đây cũng là thị trường rộng lớn, tự do, nhiều ưu đãi với thuế nhập khẩu chỉ 0 -5%; đồng thời, yêu cầu không quá khắt khe.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 297,7 triệu USD rau quả sang ASEAN, tập trung vào 4 thị trường chính là Thái Lan, Malaysia, Singapore và Lào. Đây là thị trường gần, Việt Nam có lợi thế về chi phí logistics và thuế suất nhập khẩu chỉ từ 0% - 5% trong khi một số thị trường khác áp dụng mức thuế 30% - 40%.

Ngoài ra, thị trường ASEAN cũng không đòi hỏi cao về điều kiện kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, phù hợp để doanh nghiệp thử nghiệm xuất khẩu trước khi mở rộng ra các thị trường xa hơn. Tuy nhiên, đây cũng là những thị trường có sự cạnh tranh gay gắt khi cơ cấu sản phẩm tương đồng với Việt Nam nên nước ta chỉ có thể xuất khẩu rau quả chế biến hoặc sản phẩm tươi ở những thời điểm nghịch vụ. 

Thiên Trường