Sau khi tăng mạnh trong mùa hè, giá dầu thế giới đang sụt sâu trở lại.
"Hy vọng là Saudi Arabia và OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng dầu. Với nguồn cung như hiện nay, giá dầu lẽ ra phải giảm sâu hơn nhiều", hãng tin Bloomberg dẫn dòng trạng thái (tweet) mà ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter.
Vào đầu phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York đã tăng sau khi có tin Riyadh tính giảm sản lượng dầu. Tuy nhiên, dòng trạng thái trên của ông Trump đã góp phần khiến giá dầu WTI có phiên giảm thứ 11 liên tiếp - chuỗi phiên giảm dài nhất kể từ năm 1983 - và tụt khỏi mốc 60 USD/thùng.
Lúc đóng cửa, giá loại dầu này trượt 0,26 USD/thùng, tương đương giảm 0,4%, còn 59,93 USD/thùng.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giảm 0,06 USD/thùng, chốt ở 70,12 USD/thùng.
Ở thời điểm hiện tại, giá dầu WTI đang ở trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) vì đã giảm hơn 20% so với đỉnh gần nhất thiết lập hồi đầu tháng 10. Giá dầu Brent thì đã giảm gần 19% so với đỉnh, đang ngấp nghé thị trường đầu cơ giá xuống.
Lời cảnh báo mới nhất của ông Trump về sản lượng dầu được đăng chỉ một tuần sau khi Mỹ tái áp các biện pháp trừng phạt lên ngành dầu lửa Iran. Mỹ vốn dựa vào Saudi Arabia để đảm bảo nguồn cung dầu trong trường hợp giá dầu tăng mạnh vì trừng phạt Tehran.
Ngoài căng thẳng về giá dầu, giữa Mỹ và Saudi Arabia còn đang có nhiều khúc mắc xung quanh cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vào cuối tuần vừa rồi, Mỹ đã ngừng hỗ trợ tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu của liên minh do Saudi Arabia đứng đầu trong chiến dịch chống lại phiến quân Houthi ở Yemen.
Phát biểu hôm thứ Hai, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid Al-Falih, nói rằng các nước sản xuất dầu cần cắt giảm khai thác khoảng 1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Hôm Chủ nhật, ông Khalid nói trong tháng 12, Saudi Arabia sẽ giảm xuất khẩu dầu khoảng nửa triệu thùng/ngày.
Những kế hoạch này của Saudi Arabia là sự thay đổi chính sách "180 độ", sau khi Riyadh nâng sản lượng vào mùa hè năm nay nhằm kiềm chế đà tăng giá chóng mặt của "vàng đen".
Trong mùa hè, Saudi Arabia lo ngại về áp lực tăng giá dầu đến từ sản lượng suy giảm do OPEC cắt sản lượng và sự suy giảm nguồn cung dầu từ Venezuela và Iran.
Còn ở thời điểm hiện tại, điều khiến Riyadh bận tâm là sức ép giảm giá dầu đến từ lượng dầu tồn kho tăng trên toàn cầu và khả năng nâng sản lượng dầu ở nhiều quốc gia khác, đặt biệt là dầu đá phiến của Mỹ.
Theo Vneconomy