Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi kiểm tra
Nhiều quy định còn làm khó doanh nghiệp
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ cần hết sức lưu ý, tiếp tục quan tâm một số vấn đề như quản lý báo chí; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; bảo đảm an toàn thông tin, đấu tranh phản bác tin độc, tin xấu; quản lý tốt hơn các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ; tháo gỡ các thủ tục, quy định bất hợp lý gây khó khăn cho doanh nghiệp…
Bộ trưởng cho biết Tổ công tác đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp về các vướng mắc. Chẳng hạn Nghị định 60 năm 2014 quy định người đứng đầu cơ sở in phải có trình độ cao đẳng về in hoặc được Bộ TT&TT cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý.
“Quy định này có sát thực tế không. Chúng tôi cho là không, gây khó khăn cho sản xuất. Nếu cứ quy định thế thì rất khó cho doanh nghiệp. Đây là tổng hợp của các hiệp hội. Ngay cả các quy định về quản lý thiết bị in các sản phẩm không phải xuất bản phẩm như in trên vải, gạch, nhựa… cũng bất hợp lý”, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu.
Đặc biệt, tại buổi kiểm tra, được Tổ công tác mời, đại diện các doanh nghiệp đã trực tiếp nêu các khó khăn, vướng mắc. Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử đưa một ví dụ, thủ tục nhập khẩu sản phẩm tivi kết nối wifi hiện kéo dài tới 3 tháng.
Cụ thể, trước hết doanh nghiệp phải gửi hồ sơ và mẫu sản phẩm lên trung tâm kiểm định, việc nhận và chấp thuận mẫu mất 12-15 ngày. Sau đó là thời gian kiểm định mất tới 2 tháng và khi có kết quả thì làm nốt thủ tục, lại mất 15 ngày nữa. Trong khi đó, thời gian làm thủ tục của Hải quan dài nhất chỉ 1-2 ngày.
Cam kết cắt giảm nhiều thủ tục
Lãnh đạo Bộ TT&TT và đại diện các đơn vị trực thuộc tập trung giải trình, làm rõ nguyên nhân dẫn tới các nhiệm vụ chậm trễ, đồng thời báo cáo về các giải pháp cắt bỏ thủ tục, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ khẳng định đang tích cực triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể như bãi bỏ quy định cấp giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị thu - phát sóng vô tuyến điện, thay vào đó sẽ áp dụng hậu kiểm.
Bộ cũng đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 60 năm 2014 về hoạt động in, bám sát yêu cầu của Chính phủ, như bãi bỏ 9 quy định về hoạt động hợp tác chế bản, in và gia công sau in, quy định về cấp giấy phép nhập khẩu với máy móc gia công sau in... Đồng thời, Bộ cũng đề nghị bãi bỏ thêm 6 nội dung như quy định đối tượng được nhập khẩu thiết bị in, về đối tượng sử dụng máy photocopy… để bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân.
Tính từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ đã cắt giảm 51 thủ tục hành chính, tương đương cắt giảm 16%. Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72 năm 2013 về internet, Bộ đang trình Chính phủ dự kiến cắt giảm 19 thủ tục hành chính, bao gồm cả hủy bỏ điều kiện và cắt giảm các hồ sơ tài liệu cũng như thời gian giải quyết.
Cũng tại buổi kiểm tra, Bộ TT&TT đã gửi tới Tổ công tác 8 kiến nghị, trong đó đáng chú ý là xử lý việc chồng chéo trong lĩnh vực quản lý giữa Bộ TT&TT với Bộ Công Thương về các mặt hàng điện tử, điện thoại… đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đánh giá cao giải trình của Bộ
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ trong cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, cắt giảm thủ tục. “Việc này không phải bây giờ Bộ mới làm, mà đã làm từ đầu nhiệm kỳ và hôm nay đã có báo cáo rất rõ, rất chi tiết, các vấn đề doanh nghiệp nêu đều đã và đang được xử lý”, Tổ trưởng Tổ công tác ghi nhận.
Trong đó, nếu sửa được Nghị định 187 như ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, thì sẽ cơ bản xử lý được các vấn đề vướng mắc hiện nay. “Thủ tục nhập khẩu như ý kiến doanh nghiệp là lên tới 3 tháng, nhưng nếu sửa đổi Nghị định 187 thì sắp tới sẽ không còn thủ tục này nữa”, Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, Bộ cần tiếp tục đẩy nhanh xử lý các công việc còn tồn đọng, đồng thời tiếp tục rà soát, cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, tinh thần là chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường công nhận kết quả đánh giá, kiểm tra của các nước phát triển.
Tổ công tác cũng đề nghị, Bộ khẩn trương tập trung triển khai một số nhiệm vụ lớn, đó là sớm trình Chính phủ phê duyệt đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc. Xây dựng, đề xuất các chính sách, định hướng lớn liên quan tới Chính phủ điện tử, phát triển công nghệ thông tin, phát triển kinh tế số, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia…
Về công tác truyền thông, Tổ công tác đề nghị, với các định hướng, ưu tiên lớn của Chính phủ trong từng giai đoạn thì báo chí phải đi trước một bước, tạo đồng thuận xã hội và chuyển động mạnh mẽ trong cả hệ thống, tránh “trên nóng, dưới lạnh”. Tiếp thu các kiến nghị của Bộ TT&TT, Tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 sắp tới.
Thanh Bình