THCL Bộ Tài chính vừa công khai lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định quy định về quản lý giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước do Bộ này chủ trì xây dựng theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19.

Ảnh minh họa

Nghị định này quy định đối tượng áp dụng, nguyên tắc phân tích so sánh, các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết, nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giá chuyển nhượng của các giao dịch liên kết.

Các giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh Nghị đinh này bao gồm:

Các giao dịch phát sinh trong các mối quan hệ thương mại, kinh tế, tài chính giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Các giao dịch bao gồm:mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ (gồm dịch vụ nội bộ tập đoàn; dịch vụ tài chính như vay, cho vay, vay giáp lưng và các công cụ tài chính khác) và tài sản (tài sản hữu hình, tài sản vô hình) hoặc sử dụng chung nguồn lực (hợp tác khai thác sử dụng nhân lực; hợp lực tập đoàn) phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết (được gọi chung là giao dịch kinh doanh), trừ các giao dịch kinh doanh giữa người nộp thuế tại Việt Nam với các bên liên kết liên quan đến các sản phẩm thuộc diện điều chỉnh giá của Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá tại Luật Giá.

Khi  giao dịch thuộc phạm vi áp dụng Nghị định này, cơ quan thuế thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giao dịch liên kết của người nộp thuế trên cơ sở nguyên tắc so sánh với các "giao dịch độc lập" tương đồng và nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức” để không công nhận các giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá, gây thất thu cho ngân sách.

Đoàn Huế