Cụ thể, Bộ NNPTNT kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Mức hỗ trợ như sau:
Hỗ trợ người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi (gọi chung là cơ sở chăn nuôi) có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi với mức hợp lý trên cơ sở giá thành, chi phí chăn nuôi lợn và phù hợp cho từng loại lợn (đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác được mức hỗ trợ cao hơn các loại lợn khác).
Hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi với mức 30.000 đồng/kg lợn hơi
Cụ thể: Đối với lợn con, lợn thịt các loại: Hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi (tương đương 66% giá thành); đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác: Hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi tương đương 79% giá thành).
Việc hỗ trợ dựa trên giá thành sản xuất sẽ ổn định hơn, sát với chi phí thực tế mà người dân bỏ ra để chăn nuôi lợn; công bằng hơn giữa các địa phương và khả thi hơn trong điều kiện dịch bệnh xảy ra ở phạm vi rộng, số lượng lợn buộc phải tiêu hủy lớn; hạn chế tình trạng khai báo và xác định không chính xác giữa các loại lợn, phù hợp với khả năng hỗ trợ ngân sách nhà nước.
Chủ cơ sở chăn nuôi được hỗ trợ khi có lợn buộc phải tiêu hủy không nhất thiết phải đáp ứng điều kiện đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận khi bắt đầu nuôi lợn; việc triển khai phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, dưới sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và người dân, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách.
Hỗ trợ chủ doanh nghiệp chăn nuôi lợn có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi với mức hỗ trợ bằng 30% mức hỗ cho chủ cơ sở chăn nuôi nêu trên.
Cơ sở giữ đàn lợn giống được hỗ trợ 500.000 đồng/con đến 31/12/2019
Lý do, hiện nay, các doanh nghiệp chăn nuôi đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển chăn nuôi hàng hóa và xu hướng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Bệnh DTLCP xảy ra là điều bất khả kháng vì hiện nay chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc xin phòng bệnh, trong khi dịch bệnh đã xảy ra ở phạm vi rộng, lượng vi rút DTLCP lưu hành ngoài môi trường và có khả năng xâm nhiễm vào các trang trại chăn nuôi lợn của các doanh nghiệp là rất lớn. Do đó, các doanh nghiệp rất cần nhà nước hỗ trợ để giảm thiểu một phần thiệt hại, giúp các doanh nghiệp duy trì sản xuất, tái đàn sau khi hết dịch, góp phần quan trọng trong sản xuất, cung cấp các sản phẩm thịt lợn cho xã hội, cung cấp lợn giống cho người chăn nuôi. Kinh nghiệm của các nước cho thấy không phân biệt chủ vật nuôi là hộ gia đình hay doanh nghiệp, khi có dịch bệnh xảy ra đều được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Hỗ trợ chủ cơ sở nuôi giữ lợn giống cụ kỵ, ông bà đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 nhằm nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh đảm bảo duy trì đàn lợn giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh. Cụ thể: Hỗ trợ cho chủ cơ sở nuôi giữ lợn giống cụ kỵ, ông bà với mức 500.000 đồng/con.
Lý do, hiện nay, cả nước có khoảng 120.000 con lợn giống cụ kỵ, ông bà được nuôi ở 240 cơ sở sản xuất lợn giống. Đây làn đàn lợn giống, có chất lượng cao, giá trị lớn, phần lớn được nhập khẩu từ nước ngoài để sản xuất ra lợn bố mẹ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần nâng cấp các biện pháp an toàn sinh học bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn giống này, chi phí hóa chất sát trùng,....
Cũng theo Bộ NNPTNT, chủ vật nuôi được hỗ trợ khi có lợn buộc phải tiêu hủy không nhất thiết phải đáp ứng điều kiện đăng ký kê khai ban đầu được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận khi bắt đầu nuôi lợn; việc triển khai phải bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, dưới sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp và người dân, không để xảy ra hiện tượng trục lợi chính sách.
Quốc Trường