Liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV, đại diện Phòng Quản lý Dược, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Cục Quản Lý thị trường là cơ quan Thường trực 389 của tỉnh Thanh Hoá trong việc kiểm tra phát hiện hàng lậu, hàng giả, hàng nhái trên địa bàn, trong đó Sở Y tế chúng tôi chỉ là cơ quan phối hợp để đi thanh, kiểm tra. Qua kiểm tra thực tế tại các Shop mẹ và bé như Thương hiệu & Công luận đã phản ánh, chúng tôi phát hiện tại Shop mẹ và bé Lực Sâm có địa chỉ tại ngã tư Minh Khôi, xã Minh Khôi, huyện Nông Cống đang bán 02 sản phẩm Arbidol hộp mầu xanh loại 500mg và mầu đỏ loại 200mg được quảng cáo là thuốc điều trị Covid- 19. Ngoài ra, cũng tại Shop này chúng tôi tiếp tục phát hiện bọ bán thêm sản phẩm điều trị ho Prospan”.
"Trong vụ việc này chúng tôi chỉ có thể xử phạt hành chính, mà xử phạt hành chính nó phải liên quan đến giá trị mặt hàng và số lượng cụ thể tại thời điểm kiểm tra. Về nội dung cụ thể này, phía lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành lập biên bản và đã có kết quả nhưng chưa thấy gửi cho chúng tôi. Đối với sản phẩm Arbidol được quảng cáo là thuốc trị Covid- 19 nhập khẩu từ Nga, chúng tôi đã tra cứu thì không phát hiện các thông tin về số lô, đặt biệt là số đăng ký, như vậy sản phẩm này ngay tại thời điểm tra trên cổng thông tin của Bộ Y tế thì loại này cũng không có trong danh mục, và sản phẩm điều trị ho Prospa cũng như vậy. Và những sản phẩm nói trên toàn là chữ nước ngoài, không tem nhãn phụ tiếng Việt thì không thể gọi là thuốc, mà đó là các sản phẩm được các cơ sở nhập về bán và quảng cáo như loại thuốc điều trị.", đại diện Phòng Quản lý Dược, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm.
Khi được PV đặt câu hỏi, cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm chính nếu người dân dùng các sản phẩm trong các trường hợp để xảy ra sự cố, gây ra hậu quả nghiêm trọng với người tiêu dùng, vị lãnh đạo này nhấn mạnh: Nếu các sản phẩm thuốc đó đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành mà người dân uống để xảy ra sự cố thì Sở Y tế chúng tôi là cơ quan phải chịu trách nhiệm chính. Nhưng ở đây, các sản phẩm đang nói trên là hàng không tem nhãn phụ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì trách nhiệm cũng như quản lý chính thuộc lực lượng Cục Quản lý thị trường.
Như Thương hiệu & Công luận đã phản ánh trước đó, hiện nay trên địa bàn huyện Nông Cống đang “rộ” nhiều cơ sở kinh doanh, buôn bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng không tem nhãn mác. Cũng như đang lợi dụng dịch bệnh, sự kém hiểu biết của người dân để bán các loại thực phẩm chức năng dưới dạng hàng 'xách tay', bán thuốc chữa Covid- 19 để trục lợi bất chính, đặc biệt loại thuốc này chưa được sự cho phép của Bộ Y tế.
Theo ghi nhận, Shop mẹ và bé Khoai Kids 3 có địa chỉ tại Phố mới, xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đang bán nhiều sản phẩm là thực phẩm chức năng, sữa, bỉm, đồ ăn dặm...nhưng phần lớn các sản phẩm đang bán tại đây là những mặt hàng không tem nhãn phụ, nghi vấn hàng nhập lậu. Ngoài ra, tại Shop mẹ và bé Lực Sâm có địa chỉ tại xã Minh Khôi cũng đang bán các sản phẩm là thực phẩm chức năng, các sản phẩm dành cho mẹ và bé, cũng tại đây còn bán công khai các sản phẩm được quảng cáo là thuốc điều trị bệnh, thuốc chữa Covid- 19.
Dạo quanh một vòng tại các shop trên địa bàn, PV được tiếp cận từ một người không có chuyên môn gì về thuốc, đến một chủ cửa hàng rất rành về sản phẩm và tư vấn cho nhiều người. Thế nhưng, liệu đã có ai trong số họ, được phép kinh doanh bán thuốc chữa Covid- 19 hay chưa?
Bên cạnh đó, cũng tại các shop, cửa hàng này chúng tôi cũng không khó để nhận ra đa phần hàng hoá ở đây như bỉm, sữa, mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm chức năng…đều không rõ nguồn gốc, không có nhãn phụ tiếng Việt để người mua hàng có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, thành phần và cách sử dụng cũng như mịt mù thông tin về giá.
Rõ ràng, thời gian vừa qua việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid- 19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung, huyện Nông Cống nói riêng, rất nhiều cửa hàng, các hệ thống bán lẻ, shop thời trang, đang trá hình bán các loại thực phẩm chức năng, thuốc chữa trị Covid- 19 trái phép, tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khoẻ và tính mạng người dân.
Để làm rõ những nội dung liên quan nói trên, ngày 15/04 vừa qua Phóng viên Thương hiệu & Công luận đã đến Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa để đặt lịch làm việc. Nhưng đến nay sau gần 1 tháng trôi qua, chúng tôi nhiều lần liên hệ nhưng chỉ nhận lại là sự im lặng từ người đứng đầu lực lượng Quản lý thị trường tỉnh.
Câu hỏi đặt ra, trước hàng loạt những sai phạm sau khi Thương hiệu & Công luận đã phản ánh về các chuỗi Shop mẹ và bé, các cửa hàng đang bày bán công khai nhiều sản phẩm bị cấm, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành nhưng không bị xử lý một cách triệt để. Dư luận cho rằng, đây có phải là “vùng cấm” không để đụng đến, hay đang có sự “chống lưng” của Quản Lý thị trường cho những sai phạm nói trên.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin.
Lê Nam