Hạn chế nguồn tín dụng
Năm 2018, thị trường BĐS được đánh giá vẫn tiếp tục tăng trưởng. Trong đó, phân khúc nhà ở vừa túi tiền được dự báo chủ đạo và có tính thanh khoản cao nhất của thị trường BĐS.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, thị trường sẽ phải đối mặt với những thách thức như khó khăn về quan hệ cung - cầu, tiếp cận quỹ đất đầu tư, thủ tục hành chính…, đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng khi NHNN đang thực hiện lộ trình hạn chế dần nguồn tín dụng vào thị trường BĐS, dự kiến áp dụng kể từ ngày 1/1/2019, theo lộ trình Thông tư 19/2017 của NHNN.
Cụ thể, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2018, được NHNN đưa ra ở mức 17% (năm 2017 là 18,7%) và đề nghị các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt hơn dòng vốn đổ vào thị trường BĐS.
Bên cạnh đó, NHNN cũng nâng hệ số rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng BĐS từ 200% lên 250% nhằm hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Những động thái của NHNN đã khiến nhiều NHTM bắt đầu siết chặt nguồn tín dụng của mình, thông qua việc đưa ra các điều kiện vay vốn ưu đãi khắt khe hơn, cũng như tăng dần lãi suất cho vay.
Theo tìm hiểu, nếu như trước đây, mức lãi suất cho vay mua nhà, đất tại các NH thường dao động ở mức 8 - 9%/năm, thì nay đã tăng lên khoảng 11 - 12% năm cho các khoản vay trung hạn.
Trong trường hợp khách hàng vay dài hạn, lãi suất còn có thể dao động quanh mức 12,5%. Không chỉ tăng lãi suất cho vay, nhiều NH cũng đã siết chặt hơn trong việc thẩm định giá sản phẩm mang ra bảo đảm.
Cụ thể, trước đây, khách hàng có nhu cầu mua căn hộ, có thể dùng chính căn hộ của mình để cầm cố và ngân hàng có thể cho vay đến 70% giá trị hợp đồng, thì hiện nay, một số ngân hàng chỉ đồng ý cho vay tối đa 50% giá trị.
Sẽ cùng chịu sức ép…
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM, việc các NH “siết” tín dụng vào BĐS, sẽ ảnh hưởng rất lớn và tạo sức ép đến nguồn vốn của các chủ đầu tư. Tuy nhiên, đây là sức ép theo chiều hướng tích cực.
Cũng theo ông Châu, thực tế, NH không đóng cửa với mọi DN, mà chỉ đóng cửa với những DN có mức độ rủi ro cao. Chính vì thế, việc siết nguồn vốn tín dụng vào BĐS sẽ khiến các chủ đầu tư phải khẳng định được uy tín, thương hiệu của mình. Từ đó, tạo lòng tin đối với NH để cho vay tín dụng và tạo niềm tin đối với khách hàng để chọn mua sản phẩm, cũng như đóng tiền theo đúng tiến độ hợp đồng. Bên cạnh đó, dù NH vẫn là kênh tài chính chủ đạo của thị trường BĐS, nhưng các DN cũng nên tìm kiếm nguồn khai thác tài chính mới. Đó có thể là tăng nguồn vốn chủ sở hữu, cổ phần hóa hay thông qua liên doanh, liên kết…
Về phía khách hàng, việc “siết” cho vay vào BĐS, sẽ khiến cho giấc mơ mua nhà của nhiều người, nhất là những người có nhu cầu ở thực trở nên khó khăn hơn.
Các chuyên gia nhìn nhận, nếu nguồn tín dụng vào BĐS bị hạn chế, không chỉ riêng DN địa ốc ảnh hưởng, mà cả người mua nhà, cũng bị ảnh hưởng. Với giá nhà tại Việt Nam vẫn còn cao so với thu nhập của đa số người lao động, Nhà nước luôn có chủ trương hạ giá thành sản phẩm để phù hợp với túi tiền của người dân. Nhưng một khi nguồn vốn vay trở nên khó khăn hơn, đương nhiên giá nhà cũng bị đội lên tương ứng. Nhà giá rẻ, chung cư bình dân hiện vẫn đang có nhu cầu rất lớn. Vì thế, cần có chính sách ưu tiên hướng đến dự án thuộc phân khúc này, đặc biệt là các gói lãi suất ưu đãi.
Thực tế, sau khi gói hỗ trợ cho vay nhà ở 30.000 tỷ đồng kết thúc, rất nhiều người gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để mua nhà ở. Mặc dù các NH cũng có những gói lãi suất ưu đãi cho người mua nhà, nhưng thời gian ưu đãi nhiều nhất cũng chỉ 6 tháng đến 1 năm.
Kiều Tuyết