LTS: Tạp chí Thương hiệu và Công luận là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) với tôn chỉ tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và công tác quản lý, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân; Bảo vệ thương hiệu cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh đúng quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng…

Tạp chí Thương hiệu và Công luận luôn cung cấp những thông tin nhanh chóng, kịp thời, hữu ích về công tác phòng, chống gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng trốn thuế nhà nước… nên luôn nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng trong nhiều năm qua. Liên quan tới công tác phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại, thời gian vừa qua, Cục Quản lý thị trường Hà Nội và Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã ban hành nhiều văn bản, quyết định nhằm kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của hàng hóa. Tuy nhiên, phản ánh của người dân và ghi nhận của Thương hiệu & Công luận, việc chấp hành các quy định pháp luật về nguồn gốc, nhãn mác hàng hóa tại một số cửa hàng, siêu thị chưa thực hiện nghiêm túc.

Siêu thị NTA GROUP ra đời với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng sự lựa chọn đa dạng về chất lượng hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trải nghiệm mua sắm từ bình dân đến cao cấp. 

Tại đây, Phóng viên ghi nhận, nhiều hàng hóa có tem nhãn đầy đủ, có nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, ngày sản xuất rất rõ ràng, giúp người tiêu dùng thuận lợi trong việc lựa chọn mua, sử dụng hàng hóa.

Thế nhưng, gần đây, trái ngược lại với lòng tin của người tiêu dùng, siêu thị này đang dần đánh mất thương hiệu bởi những hàng hóa, sản phẩm đang len lỏi trong hệ thống siêu thị xuất xứ không rõ nguồn gốc...

Thực phẩm được bày bán tại siêu thị
Nhiều thực phẩm "trắng thông tin" được bày bán tại siêu thị NTA GROUP có địa chỉ Tòa Gold Tower số 275 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội

Nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, trắng thông tin...

Siêu thị NTA GROUP có địa chỉ Tòa Gold Tower số 275 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội bày bán hàng hóa, thực phẩm thiếu nguồn gốc xuất xứ và tem mác ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi người tiêu dùng trong việc tiếp cận thông tin về sản phẩm.

Sản phẩm trứng gà non không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng..
Sản phẩm trứng gà non không có ngày sản xuất, hạn sử dụng...
Sản phẩm cá trứng
Sản phẩm cá trứng chỉ có tên sản phẩm, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, nhà cung cấp...

Để ghi nhận những thông tin trên, ngày 20/03/2023, phóng viên Thương hiệu & Công luận đã đi mua hàng và ghi nhận thực tế siêu thị NTA GROUP có địa chỉ Tòa Gold Tower số 275 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

Sản phẩm cá và ốc đông lạnh
Sản phẩm cá và ốc đông lạnh "trắng thông tin" được siêu thị bày bán.

Bên cạnh đó, theo quan sát của Phóng viên, tại quầy thực phẩm tươi sống và quầy thực phẩm đông lạnh, có một số sản phẩm không ghi rõ nguồn gốc và không có tem sản phẩm, (như hình dưới). Những sản phẩm trên không có bất kỳ thông tin hàng hóa nào…vẫn được siêu thị bày bán.

Cụ thể, đối với mặt hàng thịt lợn, thịt bò, thịt gà… được đóng khay xốp, bao màng bọc thực phẩm kín, nhiều sản phẩm không có tem nhãn, một số có tem, giá nhưng không có nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, về các bộ phận nội tạng của lợn, gà và cua, bạch tuộc… cũng được bọc tương tự nhưng "trắng thông tin", không hạn sử dụng, không ngày đóng gói và không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến cơ sở cung cấp.

k
Sản phẩm bề bề cũng rơi vào tình trạng không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến cơ sở cung cấp, trắng thông tin.

Như vậy, trên sản phẩm không ghi thông tin của sản phẩm rất dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, rất khó cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm. Từ đây, người tiêu dùng có quyền đặt ra câu hỏi: Liệu chất lượng sản phẩm có đảm bảo an toàn cho sức khoẻ và làm thế nào để biết sản phẩm đó có thời hạn bao lâu?

Các sản phẩm được sử dụng trong một ngày hay nhiều ngày, đặc biệt là thịt tươi sống thì cơ sở kinh doanh đó vẫn phải ghi đầy đủ thông tin trên sản phẩm để cho người tiêu dùng lựa chọn. Trên sản phẩm không ghi tem nhãn thể hiện sự nhập nhèm hàng hoá, người tiêu dùng đặt ra câu hỏi: Do không dán tem nên sản phẩm đó có thực sự được bán trong ngày không? Các thực phẩm được cho là có hạn một ngày mà bán không hết thì liệu rằng, hôm sau có tiếp tục được bày lên kệ hay không?  Việc không ghi nguồn gốc xuất xứ khi người tiêu dùng sử dụng sản phẩm gặp vấn đề gì thì tìm ai để giải quyết?

... Đến sản phẩm nhập khẩu nước ngoài không tem nhãn phụ Tiếng Việt

a
Bánh kẹo được bày bán đều không có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng Tiếng Việt, không rõ đơn vị nhập khẩu và phân phối.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều mặt hàng khác tại siêu thị NTA GROUP như sản phẩm về mỹ phẩm, bánh kẹo, sữa tắm, dầu gội… được bày bán nhập khẩu từ nước ngoài nhưng không có tem phụ bằng Tiếng Việt.

Như vậy, từ vấn đề trên, việc nhiều sản phẩm không có thông tin về nhà phân phối, cách sử dụng, trên sản phẩm không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt… khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi tiếp cận thông tin sản phẩm. Vậy, những người tiêu dùng bình dân, không biết tiếng nước ngoài làm sao xác định, phân biệt được sản phẩm và mua? 

a
Sản phẩm mỹ phẩm, dầu gội... 100% toàn chữ nước ngoài, không có thông tin Tiếng Việt, khách hàng không thể biết đây là loại nào, cách sử dụng ra sao..

Là một trong những thương hiệu lớn, siêu thị NTA GROUP bán nhiều sản phẩm không có tem, nhãn phụ Tiếng Việt… dành cho trẻ nhỏ và gia đình. Liệu rằng, những sản phẩm trên có thực sự an toàn đối với sức khoẻ của người tiêu dùng (trẻ nhỏ) khi sử dụng sản phẩm?

a
Sản phẩm bánh ăn dặm Ginbis dành cho trẻ nhỏ được mua tại siêu thị NTA GROUP.

Người tiêu dùng đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc

Hiện nay, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ khiến ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

Trước tình trạng bày bán nhiều sản phẩm, thực phẩm "trắng thông tin", không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem, nhãn phụ Tiếng Việt của siêu thị NTA GROUPtrên địa bàn TP. Hà Nội, đề nghị Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội và Chi cục An toàn thực phẩm TP. Hà Nội kiểm tra, xác minh, xử lý sai phạm (nếu có) nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như tạo ra môi trường kinh doanh hàng hóa lành mạnh, minh bạch thị trường.

Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc bị xử phạt như thế nào?
Nghị định 43/2017 NĐ-CP thì ghi nhãn sản phẩm, hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, và cần thiết về sản phẩm lên trên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết và làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ, sử dụng; để nhà sản xuất kinh doanh có thể thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình cũng như để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra và kiểm soát. Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa như sau:
1.Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng Tiếng Việt:
a) Tên hàng hóa;
b) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
c) Xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định.
Khoản 4, Điều 31, Nghị định số 119/2017/NĐ-CP về mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị thay đổi được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
h) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.”

Lê Pháp - Minh An