LTS: Tạp chí Thương hiệu và Công luận là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) với tôn chỉ tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và công tác quản lý, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân; Bảo vệ thương hiệu cho các đơn vị doanh nghiệp, đơn vị; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng…
Tạp chí Thương hiệu và Công luận luôn cung cấp những thông tin nhanh chóng, kịp thời, hữu ích về công tác phòng, chống gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng trốn thuế… nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng, bạn đọc trong nhiều năm qua.
Không chỉ bán thuốc và thực phẩm chức năng…
Trước đó, trong bài viết: “Cửa hàng UNI JAPAN Hà Nội bày bán thuốc và thực phẩm chức năng” được đăng trên Thương hiệu & Công luận vào ngày 16/03/2023, phóng viên đã phản ánh thực trạng về việc 02 cơ sở cửa hàng UNI JAPAN có địa chỉ S2.19 Vinhomes Ocean Park và S1.10 Vinhomes Ocean Park, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội ngoài bán các sản phẩm tiêu dùng thông thường còn bán thuốc, thực phẩm chức năng, dù nơi đây không phải là cơ sở đủ điều kiện để kinh doanh những mặt hàng trên.
Ngày 14/03/2023, phóng viên Thương hiệu & Công luận ghi nhận thực tế tại cửa hàng UNI JAPAN Hà Nội có địa chỉ S2.19 Vinhomes Ocean Park, Gia Lâm, TP. Hà Nội.
Tại đây có nhiều sản phẩm đủ nguồn gốc, xuất xứ và tem nhãn theo quy định của pháp luật về hàng hóa với cam kết: “Chính hãng 100% - Thông tin rõ ràng - An tâm mua sắm”.
Theo quan sát của Phóng viên, cửa hàng UNI JAPAN chia ra nhiều gian hàng với nhiều mặt hàng khác nhau như: Sữa, bỉm, bánh, kẹo, sữa tắm, dầu gội, các sản phẩm đắp mặt nạ, kem bôi da… Trong đó có nhiều mặt hàng thuốc và thực phẩm chức năng.
UNI JAPAN được nhiều người biết đến là một trong những hệ thống cửa hàng chuyên cung cấp các sản phẩm hàng Nhật thuộc các ngành hàng cho người tiêu dùng… nhưng lại bày bán nhiều sản phẩm giống thuốc chữa, điều trị bệnh, các loại thực phẩm chức năng dù các mặt hàng này đều là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện.
Quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh thuốc và thực phẩm chức năng
Đối với mặt hàng thực phẩm chức năng, để được kinh doanh cần đáp ứng để 03 điều kiện sau: Cơ sở có giấy đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh thực phẩm; Cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo; Sản phẩm thực phẩm chức năng phải được cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Nếu thực phẩm chức năng là hàng nhập khẩu vào Việt Nam thì phải được kiểm tra tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được cấp thông báo lô hàng đạt chất lượng nhập khẩu theo quy định tại Chương V Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm…
Hoạt động kinh doanh dược cũng là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Cơ sở kinh doanh dược cần được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược trước khi hoạt động. Cần có người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược và một số vị trí công việc khác phải có Chứng chỉ hành nghề dược phù hợp…
Pháp luật Việt Nam quy định rất rõ ràng trong việc kinh doanh các hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt, pháp luật quy định rất rõ ràng đối với những sản phẩm thực phẩm chức năng nhập khẩu và đảm bảo đầy đủ các điều kiện trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường nội địa.
… Cửa hàng UNI JAPAN Hà Nội Bán còn sản phẩm nhập khẩu không tem, nhãn phụ Tiếng Việt
Theo ghi nhận của phóng viên, cửa hàng UNI JAPAN Hà Nộiđang bày bán các loại hàng hoá, sản phẩm thuộc các danh mục các loại mỹ phẩm, bánh kẹo, dụng cụ gia đình, thực phẩm chức năng… đúng quy định về tem nhãn, nguồn gốc.
Thế nhưng bên cạnh đó, có những sản phẩm trong những danh mục trên là hàng nhập khẩu, sách tay lại không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định, các sản phẩm có nhãn gốc 100% tiếng nước ngoài. Điều này khiến người tiêu dùng không tiếp cận được thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của sản phẩm, cách sử dụng, bảo quản… của những sản phẩm đang được bày bán tại cửa hàng UNI JAPAN Hà Nội.
Cụ thể, ngày 14/03/2023, phóng viên đã “mục sở thị” tại cửa hàng UNI JAPAN Hà Nội có địa chỉ S2.19 Vinhomes Ocean Park, Gia Lâm, TP. Hà Nội và ghi nhận những mặt hàng nhập khẩu, xách tay nước ngoài không có tem nhãn phụ Tiếng Việt được bày bán, như kem đánh răng, siro cho bé, kem bôi da, sữa rửa mặt, kem chống nắng…
Ý kiến của người tiêu dùng
Để tìm hiểu công dụng của các sản phẩm này, khách hàng buộc lòng tự lên Google tra công dụng, hoặc là lắng nghe những lời tư vấn chưa rõ là có chuẩn xác 100% hay không từ những nhân viên bán hàng.
Chị L.T.K, một người mua hàng tại UNI JAPAN Hà Nội, khi được hỏi về hàng hóa chị đang mua không tem, nhãn phụ Tiếng Việt thì làm thế nào? Chị T nói: “Không nói thì tôi không để ý, nhưng quả thật nhiều sản phẩm không có tem Tiếng Việt. Không biết họ nhập hàng từ đâu?”
“Mỗi lần tôi mua sản phẩm ở đây đều phải gọi nhân viên ra hỏi xem nguồn gốc, thành phần cũng như cách sử dụng… rất mất thời gian và nhiều khi cũng không tiện lắm, nếu như có tem, nhãn phụ Tiếng Việt thì có sẽ tốt hơn. Người mua cũng đỡ phải hỏi nhân viên mà nhân viên cũng không mất thời gian giải thích cho khách hàng. Quan trọng là người mua cũng yên tâm hơn chứ như thế này cũng chả biết có phải là hàng nhập khẩu, sách tay hay không?”, chị K. chia sẻ thêm.
Thực tế, nhiều sản phẩm đang bày bán tại UNI JAPAN Hà Nội chỉ có chữ nước ngoài, không thấy có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo như quy định. Việc này khiến người tiêu dùng không có thông tin khi tìm hiểu về sản phẩm, vừa vi phạm quy định của pháp luật, vừa khiến dư luận đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của những sản phẩm này? Liệu có đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đảm bảo kinh doanh minh bạch hay không?
Để thông tin được khách quan, ngày 17/03/2023 phóng viên Thương hiệu và Công luận đã liên hệ với cửa hàngcửa hàng UNI JAPAN, phía đơn vị đã tiếp nhận thông tin. Tuy nhiên sau nhiều ngày trôi qua, UNI JAPAN vẫn “im lặng” dù phóng viên đã liên hệ lại.
Chúng tôi thực hiện loạt bài phản ảnh này với mong muốn cửa hàng UNI JAPAN nhìn nhận được những thiếu sót của cửa hàng và người tiêu dùng hiểu biết quyền của mình, để trở thành người tiêu dùng thông thái; để chi tiền mua được những sản phẩm đúng với mức tiền chi; để thực hiện quyền khi tiêu dùng, tránh tiền mất, tật mang.
Đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội; Thanh tra, Phòng Quản lý hành nghề Dược, Sở Y tế Hà Nội và các cơ quan ban ngành chức năng liên quan… kiểm tra xác minh, xử lý sai phạm(nếu có) của cửa hàng UNI JAPAN Hà Nội nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như tạo ra môi trường kinh doanh hàng hóa lành mạnh, minh bạch thị trường.
Quy định của pháp luật về tem nhãn phụ
Theo quy định của pháp luật về tem nhãn, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là Tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang Tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Lê Pháp