Các nhà mạng thực hiện Nghị định 49/2017/NĐ-CP ra sao?

Mục đích của Nghị định 49/2017/NĐ-CP được Chính phủ ban hành giữa năm 2017 là thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước, loại bỏ tình trạng sim rác, sim ảo. Theo đó, Nghị định này quy định rất nhiều điểm ràng buộc trách nhiệm nhà mạng.

Trong đó đáng chú ý quy định: Trong thời gian 3 tháng kể từ ngày nghị định có hiệu lực, các doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm ký hợp đồng với các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền; rà soát, thông báo, thanh lý hợp đồng, thu hồi toàn bộ các SIM thuê bao di động đã được doanh nghiệp phân phối cho các đại lý.

Sau thời gian này, các điểm đăng ký thông tin thuê bao, đại lý phân phối SIM thuê bao đang hoạt động nếu không được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại nghị định này phải ngừng hoạt động tiếp nhận, đăng ký thông tin thuê bao, bán SIM…

SIM “rác” vẫn bày bán tràn lan: Trách nhiệm thuộc về ai? - Hình 1

Sau gần 2 năm khi Nghị định số 49/2017/NĐ-CP có hiệu lực, đến nay hoạt động kinh doanh, buôn bán SIM rác vẫn diễn ra tràn lan...

Thực hiện Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nhà mạng viễn thông thực hiện việc cập nhật thông tin và ảnh chân dung của các chủ thuê bao di động trong nước trước ngày 24/4/2018.

Theo đó, trong năm 2018 các nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone đều yêu cầu các chủ thuê bao hoàn thành việc bổ sung thông tin, CMT và ảnh chân dung để cập nhật lên hệ thống trong tháng 4/2018. Nếu không thực hiện sẽ bị khóa hoàn toàn sau một tháng.

Để thực hiện theo yêu cầu này, có những thời điểm hàng ngàn chủ thuê bao bỏ công việc, thời gian, đứng vật vã xếp hàng nhiều ngày tại các điểm giao dịch, mới có thể hoàn thành việc đăng ký bổ sung thông tin theo yêu cầu…

Bên cạnh đó, một điều đáng lưu tâm là khi Nghị định số 49/2017/NĐ-CP có hiệu lực, thì các nhà mạng phải có trách nhiệm dẹp bỏ hoàn toàn các đại lý không có uỷ quyền đang bán SIM chui, sim rác.

Tuy nhiên, đến nay quy định này dường như vẫn chưa được các nhà mạng thực hiện triệt để…Bởi, theo khảo sát của phóng viên, tại thời điểm này các điểm buôn bán kinh doanh SIM – thẻ (trên địa bàn Hà Nội), các loại SIM kích hoạt sẵn vẫn được bày tràn lan, và bất cứ ai có nhu cầu cũng có thể mua được loại SIM rác này.

Có nhu cầu, vẫn có thể mua… “cả rổ” SIM rác

Để phát đi thông điệp kiên quyết xử lý triệt để việc mua bán, lưu thông SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước (SIM rác), vừa qua tại Hội nghị tổng kết Bộ TT&TT (tháng 1/2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Các Chủ tịch, Tổng giám đốc các nhà mạng phải chịu trách nhiệm cá nhân nếu không xử lý được SIM kích hoạt sẵn, hay còn gọi là SIM rác.

Thủ tướng nhận định: "Chỉ có ở Việt Nam, việc mua SIM mới dễ dàng như hiện nay", đồng thời yêu cầu ngành cần xử lý triệt để vấn đề SIM rác. Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân yêu cầu, Chủ tịch, Tổng giám đốc các hãng viễn thông phải chịu trách nhiệm cá nhân về SIM rác, bởi nếu không xử lý được thì hậu quả khôn lường…

SIM “rác” vẫn bày bán tràn lan: Trách nhiệm thuộc về ai? - Hình 2

Một cửa hàng bán SIM - thẻ, điện thoại trên phố Thái Hà

Vậy thực tế sau chỉ đạo của Thủ tướng, thực trạng về hoạt động kinh doanh SIM rác thế nào? Theo ghi nhận nhiều ngày của phóng viên, tại các tuyến phố chuyên kinh doanh SIM – thẻ trên địa bàn TP. Hà Nội như: Minh Khai, Trương Định, đường Láng, Kim Ngưu, Thái Hà, Kim Mã, Cầu Giấy… hoạt động mua bán SIM rác của các nhà mạng VinaPhone, Viettel, MobiFone… vẫn diễn ra rầm rộ.

Tại cửa hàng kinh doanh SIM – thẻ trên phố Thái Hà, khi được hỏi mua SIM rác, nhân viên cửa hàng lập tức lấy ra nhiều cọc SIM rồi đề nghị khách hàng chọn số. Mỗi cột SIM có thể lên tới cả trăm SIM của 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone… các SIM này đều có hạn sử dụng hơn 1 năm. Theo hướng dẫn của nhân viên, sau khi mua SIM, khách hàng chỉ cần nạp thẻ vào là dùng được ngay.

“Loại SIM có đầu số 0367xxx của mạng Viettel có giá 80.000 đồng. Nhưng, SIM này tài khoản 0 đồng, muốn sử dụng anh chị phải nạp thẻ vào mới sử dụng được. Còn có loại trong tài khoản đã sẵn có 40.000 đồng, mỗi ngày có 2GB tốc độ cao. Anh chị dùng thoải mái không lo bị cắt, trừ khi nợ cước, hoặc spam quá nhiều. Loại này có giá 100.000 đồng…”. Chủ cửa hàng tư vấn.

Khi được hỏi về thủ tục đăng ký thông tin khách hàng, chủ cửa hàng khẳng định: "Các loại SIM này do một đầu mối của nhà mạng tuồn ra, đã lo hết thủ tục, đăng ký tên SIM là một người khác, nên cứ thoải mái. Hết tiền thì mua SIM khác mà dùng…”.

Tại một cửa hàng kinh doanh SIM, thẻ trên phố Kim Mã, khách hàng cũng có thể thoải mái chọn các loại SIM rác, mà không cần làm bất cứ thủ tục gì. Thậm chí, nhân viên tại cửa hàng này còn đưa ra 3 rổ nhựa đựng đầy SIM của các nhà mạng để cho khách hàng lựa chọn. Các loại SIM rác này có giá dao động từ 40.000 – 100.000 đồng…

“Nếu anh chị muốn mua SIM số đẹp, chính chủ, thì để lại thông tin, cho chủ cửa hàng chụp ảnh để làm thủ tục. Còn SIM rác thì mua cả rổ này cũng được, mua xong cứ nạp vào là dùng được…”, nhân viên cửa hàng hài hước cho biết.

Đặc biệt, theo quan sát, cửa hàng này thường xuyên có khách đến lấy SIM theo dạng mua sỉ với số lượng lớn. Dường như giá cả, số lượng đã được họ thỏa thuận từ trước và người đến lấy hàng chỉ đưa tiền rồi cầm một túi nilon SIM mang đi…

SIM “rác” vẫn bày bán tràn lan: Trách nhiệm thuộc về ai? - Hình 3SIM “rác” vẫn bày bán tràn lan: Trách nhiệm thuộc về ai? - Hình 3

Hoạt động kinh doanh, buôn bán SIM rác trên mạng cũng rầm rộ không kém...

Ngoài các cửa hàng bày bán trực tiếp, thì hoạt động buôn bán SIM rác trên các trang mạng cũng không kém phần sôi động. Người mua chỉ cần mở Google, gõ cụm từ “SIM rác giá rẻ” là sẽ có ngay vài nghìn địa chỉ hiện lên, với những lời mời chào vô cùng ưu đãi, giá rẻ bất ngờ…

Thậm chí các Fanpage “SIM số đẹp”, “SIM giá rẻ” có hàng nghìn lượt like, chia sẻ còn công khai Livestream để bán hàng…

Do SIM rác được bày bán công khai, kích hoạt dễ dàng như vậy, nên không khó để trong vài phút là phóng viên có thể mua được dăm ba SIM của các nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone dù không phải làm bất cứ thủ tục nào. Có tiền là mua được SIM. Với các loại SIM này, chỉ cần nạp tiền 20.000 đồng vào thì SIM kích hoạt, nghe, gọi, nhắn tin thoải mái theo ý muốn. Thậm chí, có thể đăng ký tin nhắn để sử dụng dịch vụ 3G, 4G…

Ba nhà mạng lớn bị phạt hơn 300 triệu đồng vì SIM rác

Do vi phạm về quản lý thuê bao di động trả trước, vừa qua 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone bị Bộ TT&TT xử phạt 309 triệu đồng…

Cụ thể, Thanh tra Bộ TT&TT đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tập đoàn Viettel tổng cộng 109 triệu đồng. Trong đó, 100 triệu đồng là mức phạt dành cho hành vi chấp nhận thông tin thuê bao do điểm cung cấp dịch vụ viễn thông không được ủy quyền.

SIM “rác” vẫn bày bán tràn lan: Trách nhiệm thuộc về ai? - Hình 4

Được bày bán công khai, kích hoạt, sử dụng dễ dàng, nên không khó để mua được những số SIM rác như thế này...

Theo văn bản của Bộ TT&TT, nhà mạng quân đội đã chấp nhận thông tin thuê bao từ 29.800 cộng tác viên là các cá nhân bên ngoài để làm điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động. 

Số tiền 9 triệu đồng còn lại là xử phạt Viettel vì giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với 9 chủ thuê bao có chứng minh nhân dân, căn cước công dân không đúng quy định.

Thanh tra Bộ TT&TT cũng đã ra quyết định xử phạt đối với VinaPhone và MobiFone về hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao di động trả trước với mức phạt cho mỗi nhà mạng là 100 triệu đồng.

Đây là kết quả của nhiều đợt làm việc giữa Thanh tra Bộ TT&TT cùng 3 nhà mạng lớn kéo dài từ cuối năm 2018. Cơ quan này đã yêu cầu các nhà mạng xử lý triệt để các vi phạm và không để tái phạm.

Trong kết luận, Thanh tra Bộ TT&TT cũng kiến nghị Bộ trưởng TT&TT quy trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu doanh ngiệp viễn thông về tình trạng bán SIM kích hoạt sẵn trên thị trường đồng thời có biện pháp nhắc nhở lần đầu.

Trường hợp doanh nghiệp viễn thông vẫn cố tình vi phạm, hoặc vẫn để tái diễn tình trạng bán SIM rác trên thị trường trong thời gian tới, Bộ sẽ xử lý hành chính, kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo đối với lãnh đạo doanh nghiệp.

Kết luận cũng kiến nghị tăng cường hơn công tác tuyên truyền về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức khi có SIM thuê bao di động đứng tên mình bị sử dụng vào việc vi phạm pháp luật.

Tuấn Ngọc – Kiều Trinh