Hé lộ tình hình tài chính của Viettel Global trước ngày lên sàn - Hình 1

Ông Lê Đăng Dũng (ảnh) mới đây đã được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT Viettel Global, thay Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng (Ảnh: I.T)

“Ông chú Viettel” Lê Đăng Dũng, người từng gây sự chú ý của cộng đồng mạng khi song ca cùng ca sỹ Sơn Tùng MTP mới đây đã được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT Viettel Global thay Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng.

Cụ thể, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2018 của Viettel Global, ông Lê Đăng Dũng đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc. Viettel Global cho biết theo quy định tại Điều 10, khoản 3, Thông tư 121/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính thì Chủ tịch HĐQT không kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc trừ khi được đại hội cổ đông phê chuẩn hàng năm tại ĐHĐCĐ thường niên.

Công việc sắp tới của tân Chủ tịch Viettel Global Lê Đăng Dũng được dự báo sẽ có nhiều khó khăn bởi dù Viettel Global đã đạt được những thành tích nhất định trong việc mở rộng quy mô, nhiều thị trường ở nước ngoài cũng ghi nhận số doanh thu đáng kể. Song kết quả kinh doanh năm 2017 cho thấy Viettel Global đã lỗ sau thuế 481 tỷ đồng, tổng lỗ lũy kế của Viettel Global lên đến 3.452 tỷ đồng.

Ngoài ra, Viettel Global cũng dự kiến đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM vào tháng 7.2018. Vậy tình hình sức khỏe tài chính của Viettel Global trước ngày lên sàn UpCoM ra sao?

Lỗ lũy kế 3.452 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 đã kiểm toán của Tổng công ty Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) – đơn vị phụ trách hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Công nghiệp Viễn Thông Quân đội (Viettel), doanh thu thuần năm 2017 của Viettel Global đạt 19.023 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2016.

Tỷ lệ giá vốn trên doanh thu thuần giảm đáng kể từ 84% năm 2016 xuống còn 76,4% năm 2017 khiến lợi nhuận gộp của Viettel Global tăng tới 82%, đạt 4.483 tỷ đồng.

Hé lộ tình hình tài chính của Viettel Global trước ngày lên sàn - Hình 2Tổng lỗ lũy kế của Viettel Global đã lên đến 3.452 tỷ đồng

Năm 2017, Viettel Global ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính 2.978 tỷ đồng, gấp tới 6 lần năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu là do lãi chênh lệch tỷ giá tăng đột biến từ 301 tỷ đồng năm 2016 lên 2.421 tỷ đồng năm 2017, phần lớn xuất phát từ đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại 3 thị trường gồm Mozambique, Cameroon và Haiti.

Cụ thể, động lực tăng trưởng chính đến từ thị trường châu Phi khi tăng 30% từ 5.740 tỷ lên 7.640 tỷ đồng. Đặc biệt 2 thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh là Cameroon tăng 102,5%, Movitel tăng 7.903%.

Haiti tăng trưởng doanh thu dịch vụ ở mức 2 con số và đạt mức tốt nhất trong 3 năm trở lại đây. Năm 2017 cũng là năm đầu tiên thị trường Haiti có lãi và thực hiện chia lợi nhuận cho đối tác địa phương.

Song ngược lại, tổng công ty này cũng ghi nhận tới 3.479 tỷ đồng chi phí tài chính trong năm 2017, giảm nhẹ 4,1% so với năm 2016. Phần lớn chi phí tài chính là lỗ chênh lệch tỷ giá (2.732 tỷ đồng).

Năm 2017, chi phí quản lý doanh nghiệp của Viettel Global ở mức 2.590 tỷ đồng, tăng tới 64%; trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp là 1.767 tỷ đồng, tăng 43%. Thêm vào đó, tổng công ty cũng ghi nhận khoản lỗ khác 35 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2017, Viettel Global lãi trước thuế 26,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí thuế thu nhập ròng (sau khi đã trừ thu nhập từ thuế) lên đến 508 tỷ đồng đã khiến cho Viettel Global lỗ sau thuế 481 tỷ đồng.

Mặc dù kết quả này là kém khả quan nhưng đã có sự cải thiện hơn so với mức lỗ tới 2.417 tỷ đồng của năm 2016. Tổng lỗ lũy kế của Viettel Global đã lên đến 3.452 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 31/12/2017, tổng tài sản của Viettel Global đạt 51.966 tỷ đồng, tăng 11% sau một năm. Phần lớn tài sản của Viettel Global tập trung ở tài sản cố định (14.453 tỷ đồng), các khoản phải thu dài hạn (10.087 tỷ đồng), các khoản phải thu ngắn hạn (7.257 tỷ đồng).

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đến hết ngày 31/12/2017 của Viettel Global ở mức 18.458 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,4% sau 1 năm. Nợ phải trả ở mức 33.508 tỷ đồng, tăng 18%; trong đó tổng nợ vay ở mức 19.894 tỷ đồng, giảm gần 6%.

Nợ ngắn hạn của Viettel Global thời điểm cuối năm 2017 là 21.959 tỷ đồng, tăng gần 20% so với thời điểm đầu năm và chiếm 2/3 tổng nợ phải trả toàn doanh nghiệp (33.508 tỷ đồng). Trong khi đó, tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp lại sụt giảm gần 10% xuống chỉ còn 18.669 tỷ đồng.

Những ảnh hưởng chưa được xác định rõ

Trong phần đưa ra ý kiến của mình, Công ty TNHH Deloitte Việt Nam - đơn vị kiểm toán đã dành tới 2 trang để nêu cơ sở ý kiến kiểm toán ngoại trừ và các vấn đề cần nhấn mạnh.

Về cơ sở ý kiến kiểm toán ngoại trừ, Deloitte Việt Nam cho biết, về tài sản góp vốn tại NATCOM, kiểm toán viên không thể thu nhập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các tài sản được cổ đông là Công ty Telecommunication D’Haiti S.A (Teleco) góp vốn để thành lập NATCOM với số tiền khoảng 556 tỷ đồng, tương đương 1.573013.333 HTG chủ yếu được trình bày ở khoản mục nguyên giá TSCĐ vô hình với số tiền khoảng 137 tỷ đồng và nguyên giá TSCĐ hữu hình với số tiền khoảng 416 tỷ đồng trên bảng cân đối kế toán hợp nhất ngày 31/12/2017.

Tuy nhiên, giá trị của các tài sản này được xác định dựa trên một báo cáo định giá năm 2008 và chưa được định giá lại sau lần động đất tại Haiti vào năm 2010 được cho là làm thiệt hại số tài sản góp vốn đó. Vậy nên, Deloitte cho biết họ không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không.

Hé lộ tình hình tài chính của Viettel Global trước ngày lên sàn - Hình 3

Viettel Global dự kiến đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM vào tháng 7/2018 (Ảnh minh họa)

Về công ty con của Viettel Global là Viettel Cameroon, kiểm toán viên cho biết BCTC năm 2017 của Viettel Cameroon chưa được kiểm toán với tổng tài sản, nợ phải trà và doanh thu bán hàng & cung cấp dịch vụ có giá trị lần lượt khoảng 7.260 tỷ đồng, 3.887 tỷ đồng, 2.289 tỷ đồng. Song kiểm toán viên không thể tiến hành những thủ tục kiểm toán cần thiết để thu thập những bằng chứng đầy đủ và thích hợp về số liệu BCTC năm 2017 của công ty con này. Vậy nên, Deloitte tiếp tục không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu trên BCTC năm 2017 của Viettel Global hay không.

Hoạt động sử dụng vốn nhà nước bị điểm tên

Trong số các vấn đề cần nhấn mạnh trên BCTC năm 2017 của Viettel Global, một vấn đề được nhắc tới là việc điều chỉnh hồi tố số liệu trên BCTC hợp nhất cho năm tài chính kết thúc ngày 31.12/2016 theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước tại Thông báo kết quả kiểm toán BCTC, các hoạt động liên quan đến quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2016.

Trong đó, khoản mục lỗ lũy kế chưa phân phối và lỗ sau thuế TNDN đều được điều chỉnh giảm lần lượt 74,65 và 47,78 tỷ đồng.

Với khoản lợi thế thương mại có giá trị ban đầu là 531 tỷ đồng phát sinh khi hợp nhất kinh doanh thông qua việc Viettel Global mua lại Công ty TNHH Viettel Tazania, kiểm toán viên cho biết khoản mục này được xác định căn cứ vào phần chênh lệch giữa giá phí hợp nhất kinh doanh và giá trị ghi sổ của các tài sản, nợ phải trả có thể xác định được của công ty này tại ngày mua thay vì sử dụng giá trị hợp lý do không có thông tin để xác định giá trị hợp lý một cách đáng tin cậy.

Theo Dân Việt