Kiểm toán ngoại trừ nhiều vấn đề
Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, kiểm toán độc lập đã chỉ ra nhiều vấn đề cần lưu ý đối với các nhà đầu tư.
Trước hết, tại NATCOM - một liên doanh thành lập tại Haiiti trong đó Viettel sở hữu 60% vốn liên doanh và Teleco sở hữu 40% - PV - kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về các tài sản được cổ đông là Công ty Telecommunication D`Haiti S.A (Teleco) góp vốn để thành lập Nation Teleocm S.A (NATCOM) với tổng số tiền khoảng 556 tỷ VNĐ (tương đương 1.573.013.333 HTG - đồng tiền tại nước Haiiti), trong đó chủ yếu được trình bày ở khoản mục Nguyên giá tài sản cố định vô hình với số tiền 137 tỷ VNĐ (tương đương 387.895.493 HTG) và khoản mục nguyên giá hữu hình với số tiền khoảng 419 tỷ đồng (tương đương 1.185.013.333 HTG) trên bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 31/12/2017. Giá trị tài sản này được xác định trên một báo cáo định giá năm 2008 và chưa được đánh giá lại sau lần động đất tại Haiiti vào ngày 12/1/2010 được cho là đã làm thiệt hại các tài sản góp vốn đó. Do đó kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không.
Trong bối cảnh nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn, nếu hoạt động kinh doanh toàn bộ Tập đoàn không tiếp tục cải thiện sẽ khiến Viettel Global đối mặt mất thanh khoản ngắn hạn
Tiếp theo, vẫn theo kiểm toán, Báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2017 gồm số liệu Báo cáo tài chính năm 2017 của Công ty Viettel Cameroon (“VCR”) Công ty con của Tổng công ty, chưa được kiểm toán với tổng tài sản, nợ phải trả và doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ có giá trị lần lượt khoảng 7.260 tỷ đồng, 3.887 tỷ đồng và 2.829 tỷ đồng. Do đó kiểm toán viên không thể thực hiện các thủ tục kiểm toán cần thiết để có thể thu thập các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp về số liệu báo cáo tài chính năm 2017 của VCR. Do đó kiểm toán không thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu trên báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty hay không.
Ngoài hai ý kiến ngoại trừ của kiểm toán liên quan đến giá trị hợp lý tài sản góp vốn của Viettel Global tại NATCOM và việc Công ty Viettel Cameroon (VCR) chưa được kiểm toán BCTC theo khảo sát của phóng viên còn không ít vấn đề.
Khả năng thanh khoản của Viettel Global tại thời điểm 31/12/2017 cũng là vấn đề rất đáng cảnh báo. Theo đó, nợ ngắn hạn của Viettel Global thời điểm cuối năm 2017 là 21.959 tỷ đồng (tăng gần 20% so với thời điểm đầu năm) và chiếm 2/3 tổng nợ phải trả toàn doanh nghiệp (33.508 tỷ đồng). Trong khi đó tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp lại sụt giảm gần 10% từ hơn 20.969 tỷ đồng xuống chỉ còn 18.669 tỷ đồng. Điều này khiến cho nợ ngắn hạn vượt quá 14,98% tài sản ngắn hạn.
Trong trường hợp hoạt động kinh doanh của toàn bộ tập đoàn không tiếp tục cải thiện, đặc biệt là các khoản đầu tư tại nước ngoài thì sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới khả năng cân đối dòng tiền của doanh nghiệp. Trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là việc Viettel Global phải đối mặt với tình trạng mất thanh khoản ngắn hạn khi không đủ nguồn tiền để thực hiện các nghĩa vụ nợ.
Theo BCTC hợp nhất 2017 vừa được công bố, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tổng Công ty CP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) đạt 19.023 tỷ đồng tăng 24,04% so với mức 15.335 tỷ đồng năm 2016. Mặc dù đã có sự cải thiện trong kết quả kinh doanh của công ty mẹ tuy nhiên do còn khá nhiều bất ổn trong hoạt động kinh doanh tại công ty con và liên kết đã khiến cho Tổng công ty lỗ ròng 481,05 tỷ đồng khi hợp nhất.
Làm ăn thua lỗ
Hiệu quả hoạt động trong năm 2017 của TCT có sự đóng góp lớn từ thị trường châu Phi khi tăng 30% từ 5.740 tỷ lên 7.640 tỷ đồng. Hai thị trường có sự tăng trưởng mạnh nhất là Cameroon tăng 102,5% và Movetel tại Mozambique tăng 79%. Điều này giúp cho doanh thu thuần từ bán hàng hóa dịch vụ tăng 24,04% lên 19.023 tỷ đồng so với năm 2016, biên lợi nhuận gộp năm 2017 đạt 23,55% cao hơn gần 8% so với mức bình quân của các năm trước đó.
Thế nhưng, tổng chi phí hoạt động hợp nhất bao gồm chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đã tăng từ 2.808 tỷ đồng năm 2016 lên 4.358 tỷ đồng trong năm 2017 cùng với việc tiếp tục ghi nhận mức lỗ tài chính hơn 501 tỷ đồng là nguyên nhân chính bào mòn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính.
Qua đó, lợi nhuận trước thuế của Viettel Global chỉ đạt 26,77 tỷ đồng, sau khi thực hiện các nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những mảng kinh doanh có lãi thì hợp nhất Công ty lỗ ròng 481,05 tỷ đồng. Cổ đông công ty mẹ mức lỗ 331,38 tỷ đồng. Lũy kế đến hết 31/12/2017, TCT ghi nhận mức lỗ lũy kế hợp nhất 3.452 tỷ đồng và mất 17.73 % vốn điều lệ.
Kết quả kinh doanh thua lỗ tại Viettel Global một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiệu quả đầu tư của các DN nhà nước. Khả năng quản trị rủi ro, dòng tiền và dự báo thị trường của Hội đồng quản trị, ban điều hành như thế nào là vấn đề đang được nhà đầu tư đặt ra.
Theo TBCK