So với con số ca tử vong mới được công bố gần nhất của Trung Quốc - với 17 ca được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 9/3, số ca tử vong mới ở Italy đã cao gấp 10 lần.
Tổng số ca nhiễm tại Italy - quốc gia châu Âu bị virus corona tấn công mạnh nhất, đã tăng lên 10.149 so với 9.172 ca của ngày trước đó, tức tăng 10,7%, theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy.
Mở rộng lệnh phong tỏa ra toàn bộ đất nước Italy
Theo người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy, trong số những người nhiễm bệnh ban đầu, 1.004 người đã bình phục hoàn toàn, tăng gần 300 trường hợp so với con số 724 ca của ngày trước đó.
Một người đàn ông đeo khẩu trang trên xe điện tự hành tại Milan, Italy hôm 10/3 (Ảnh: Reuters)
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 9/3 đã mở rộng các biện pháp đối phó virus corona trên toàn quốc, yêu cầu người dân ở nhà và cấm mọi hoạt động tụ tập nơi công cộng cùng với tất cả trận đấu trong khuôn khổ giải vô địch quốc gia Serie A.
Biện pháp này được đưa ra sau khi các con số tử vong và ca nhiễm tại quốc gia châu Âu này vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Các biện pháp chưa từng có tiền lệ được áp dụng trên toàn quốc, tác động đến hơn 60 triệu người - quy mô tương đương với tâm điểm dịch tỉnh Hồ Bắc bị Trung Quốc phong tỏa.
Việc đi lại ở Italy rơi vào hỗn loạn ngày 10/3, nhưng không dừng hẳn, sau lệnh phong tỏa cả nước.
Một số hãng như Air Canada, British Airways, Ryanair, Easyjet và WizzAir tuyên bố hủy nhiều chuyến bay tới Italy.
Tây Ban Nha ngưng đi lại hàng không với Italy trong hai tuần, trong khi Áo đưa ra giới hạn nhập cảnh với người từ Italy. Ở sân bay Fiumicino của Rome, vẫn có chuyến bay tới một số địa điểm ở châu Âu và ở Italy.
Ở ga tàu Termini của Rome ngày 10/3, cảnh sát đeo khẩu trang kiểm tra lý do đi lại của hành khách và yêu cầu mọi người cách xa nhau 1 m. Tuy nhiên, bảng điện tử chưa cho thấy dấu hiệu có nhiều chuyến bị hủy. Trong khi đó, nhiều chuyến tàu nối Italy với Pháp, Áo và Đức đang bị hủy.
Tình trạng tại biên giới trên bộ của Italy có phần thoải mái hơn tính đến chiều 10/3. Xe cộ vẫn qua cửa khẩu với nước Slovenia láng giềng vào chiều 10/3, theo AFP. Tại biên giới với Áo, cảnh sát Áo được cho là dừng những người tới từ Italy để đo thân nhiệt. Nhưng đến tối 10/3, Slovenia tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới với Italy. Lệnh phong tỏa sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành du lịch, chiếm 13% GDP của Italy.
Hai tình thế trái ngược
Hai tình thế trái ngược đang diễn ra khi ở Trung Quốc, những biện pháp giới hạn nghiêm ngặt nhất đang được gỡ bỏ ở tỉnh Hồ Bắc, còn ở châu Âu, các nước đang báo động mức cao, theo AFP.
Hàng loạt hãng hàng không tuyên bố hủy chuyến bay tới Italy trong nhiều tuần tới, trong khi một số nước châu Âu tuyên bố đóng cửa trường học, và cấm các sự kiện đông người. Slovenia cho biết sẽ đóng cửa biên giới với Italy, trong khi Áo cấm các chuyến tàu, chuyến bay sang nước này.
Mẹ dắt tay con gái nhỏ và chó cưng đi dạo ở quảng trường Campo Dei Fiori vắng vẻ tại trung tâm Roma hôm 10/3 (Ảnh: Getty Images)
Không lâu sau khi Italy hủy toàn bộ các trận đấu thể thao trong nước, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Bồ Đào Nha cũng tuyên bố các trận đấu sẽ diễn ra mà không có khán giả. Một số trận đấu ở Hà Lan bị hủy.
Lệnh phong tỏa rộng khắp có thể đã thành công ở Trung Quốc, nhưng đã có khởi đầu không thuận lợi ở Italy. Nước này đã phong tỏa cả nước, và yêu cầu người dân chỉ đi lại nếu có lý do công việc hay y tế mang tính khẩn cấp. Các quảng trường ở Milan và Rome vắng hơn thường lệ, nhiều người tỏ ra không rõ liệu mình có được ra ngoài mua sắm hay không, buộc chính phủ phải ra thêm tuyên bố làm rõ lệnh phong tỏa và cảnh báo không nên mua hàng tích trữ, theo AFP.
Giáo hoàng Francis còn kêu gọi các linh mục ra ngoài và tới thăm những người bị ốm - điều mà chính Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã khuyên không nên làm khi ra lệnh phong tỏa.
Ở Hy Lạp, nơi cấm tụ tập đông người từ tuần trước, lễ thắp đuốc cho Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra mà không có khán giả.
Đáng chú ý, với những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhân ở đảo Cyprus, virus corona đã có mặt ở tất cả quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), theo các quan chức y tế.
Tuy nhiên, các biện pháp ứng phó có vẻ khác nhau, không thống nhất giữa các quốc gia trong khối, có nơi không tương xứng với mức lây lan của dịch bệnh, cho thấy sự thiếu phối hợp quốc tế, New York Times nhận định.
Hy Lạp và Séc tuyên bố đóng cửa toàn bộ trường học, dù hai nước này chỉ có vài chục ca nhiễm, ít hơn so với các nước láng giềng vẫn chưa đóng cửa trường học.
Tây Ban Nha, nơi có dịch bệnh vào loại tồi tệ nhất, đóng cửa trường học ở vùng Madrid, nhưng không phải trên toàn quốc. Ở thành phố Poznan phía tây Ba Lan, trường học, bể bơi và nơi công cộng bị đóng cửa sau chỉ một ca nhiễm. Trên khắp lục địa già, các nước đang tăng dần các biện pháp giới hạn đi lại.
Trong khi tình trạng dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng thiếu tích cực ở phần lớn các quốc gia, một vài dấu hiệu tốt đáng ghi nhận trên thị trường tài chính thế giới khi giá cổ phiếu và giá dầu hồi phục chút ít do kỳ vọng Mỹ sẽ có biện pháp kích thích kinh tế, sau một ngày "đỏ rực" mất điểm kỷ lục trong hơn một thập kỷ vào ngày 9/3, theo AFP.
Số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục tại Iran
Tại một điểm nóng khác bên ngoài Trung Quốc của dịch Covid-19, Bộ Y tế Iran cuối ngày 10/3 ghi nhận thêm 54 ca nhiễm tử vong, con số cao nhất trong một ngày tại nước này.
Với 54 trường hợp tử vong mới, số người chết vì virus corona ở Iran đã tăng lên 291, phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết trong cuộc họp báo trên truyền hình.
Bên cạnh đó, Iran cũng ghi nhận thêm 881 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 8.042. So với một ngày trước, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 nước Cộng hòa Hồi giáo tăng 18% và tỷ lệ nhiễm tăng 12%. "Tuy nhiên, 2.731 người đã bình phục và được ra viện, gấp 10 lần số người mà chúng ta đã mất", ông Jahanpour nói thêm.
Theo Zing