Sở hữu trí tuệ gắn kết chặt chẽ với đổi mới sáng tạo
Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2022 có chủ đề “Sở hữu trí tuệ và thế hệ trẻ đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn”. Quyền sở hữu trí tuệ có thể hỗ trợ các mục tiêu của thế hệ trẻ, giúp biến ý tưởng của họ thành hiện thực, tạo thu nhập, tạo việc làm và tác động tích cực đến thế giới xung quanh.
Sở hữu trí tuệ đồng hành và gắn kết chặt chẽ với hoạt động đổi mới sáng tạo của thế hệ trẻ nói riêng cũng như người làm sáng tạo nói chung. Việc nhận thức đúng đắn về vai trò này của sở hữu trí tuệ chính là bước đi đầu tiên vững chắc trên con đường sáng tạo làm thay đổi thế giới.
Dù là với nhóm đối tượng nào - học sinh, sinh viên, doanh nghiệp trẻ, nhà nghiên cứu trẻ - thì sở hữu trí tuệ vẫn là một công cụ khuyến khích thế hệ trẻ thỏa sức sáng tạo.
Bên cạnh nhiệm vụ quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, thực hiện hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp, các thủ tục khác liên quan đến Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật, Cục Sở hữu trí tuệ cũng dành nguồn lực cho hoạt động phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Trong đó, Cục đã có những quan tâm nhất định tới đối tượng giới trẻ từ khá sớm nhằm nâng cao nhận thức cũng như tư vấn, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ cho các bạn trẻ.
Từ năm 2008, Cục Sở hữu trí tuệ đã bắt đầu tổ chức đào tạo kiến thức về sở hữu trí tuệ từ cơ bản đến nâng cao cho sinh viên của các trường đại học trên toàn quốc nhằm tuyên truyền rộng rãi một lĩnh vực còn mới mẻ ở Việt Nam trong giai đoạn này cho giới trẻ - những người trong tương lai gần sẽ trở thành người vận hành doanh nghiệp, nhà sáng chế… Hoạt động này được tổ chức thường niên ở một số trường đại học chưa có bộ môn riêng về sở hữu trí tuệ.
Sau khi đã thu hút được các bạn sinh viên quan tâm tới lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ bắt đầu tạo dựng sân chơi cho các bạn sinh viên thông qua việc phối hợp với các trường đại học tổ chức cuộc thi, từ đó tạo động lực, phòng trào giúp các bạn có cơ hội tìm hiểu chuyên sâu hơn về sở hữu trí tuệ. Có thể thấy, các cuộc thi này được tổ chức rất đa dạng, phong phú và để lại những dấu ấn đẹp. Ví dụ như Cuộc thi “Sinh viên với sở hữu trí tuệ” do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức hai năm trở lại đây đã cung cấp cho sinh viên một môi trường ươm tạo, giúp biến ý tưởng sáng kiến, sáng tạo thành giải pháp cụ thể, có tiềm năng khởi nghiệp. Đến với Cuộc thi, các bạn sinh viên đã hiểu được những kiến thức và kỹ năng để định hình nên những doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng.
Đồng thời, Cục Sở hữu trí tuệ cũng hỗ trợ, tư vấn xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, dự án tham dự cuộc thi và thông qua gian hàng tư vấn tại sự kiện triển lãm về khoa học công nghệ như Techfest hoặc bộ phận tư vấn IP Help desk của Cục…
Trong giai đoạn tới, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục mở rộng hoạt động truyên truyền về sở hữu trí tuệ cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông với mục tiêu tạo dựng và nuôi dưỡng văn hóa sở hữu trí tuệ cho trẻ em Việt Nam từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mong muốn ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác và biết cách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình sẽ được đi vào tiềm thức của trẻ em càng sớm càng tốt.
Quyền sở hữu trí tuệ có vai trò đặc biệt quan trọng
Làn sóng đổi mới sáng tạo đang tạo ra hiệu ứng lan tỏa trên nhiều tỉnh, thành phố và trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh việc tạo môi trường pháp lý thuận lợi và chính sách về tài chính (vay vốn, ưu đãi thuế) cho những người làm sáng tạo nói chung - trong đó bao gồm những nhà sáng chế, doanh nghiệp trẻ - Việt Nam cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ về sở hữu trí tuệ.
Theo quy định của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2017, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn được hỗ trợ thêm các vấn về sở hữu trí tuệ; khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đào tạo, thông tin, thương mại hóa
Trong khuôn khổ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Thông tư 75/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành hướng dẫn về quản lý tài chính thực hiện Chương trình nêu rõ về mức ngân sách nhà nước hỗ trợ trong đơn đăng ký bảo hộ trong nước, như: Đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/đơn; Đối với đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ.
Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí triển khai các biện pháp bảo vệ và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Như kinh phí tổ chức trưng bày, triển lãm phân biệt sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; xác định, lựa chọn sản phẩm, tra cứu đánh giá sản phẩm được bảo hộ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Quyền sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng trong việc phát triển của các doanh nghiệp, nói rộng ra là của cả nền kinh tế ở mỗi quốc gia trên thế giới. Bản chất của quyền sở hữu trí tuệ là việc tạo ra những độc quyền sử dụng đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ - tài sản trí tuệ. Độc quyền đối với tài sản trí tuệ chính là cơ sở pháp lý cho quá trình đưa các quyền sở hữu trí tuệ ra thị trường để đổi lại lợi nhuận và tăng trưởng trong kinh doanh.
Quyền sở hữu trí tuệ chính là công cụ đắc lực tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sự phát triển của các doanh nghiệp, các chủ thể quyền khác trong nền kinh tế thị trường. Từ giá trị to lớn của quyền sở hữu trí tuệ như vậy đã khuyến khích, thúc đẩy bản thân các chủ thể quyền, các cá nhân, pháp nhân, tổ chức liên quan trong xã hội không ngừng đổi mới và sáng tạo ra các đối tượng sở hữu trí tuệ mới để được bảo bộ độc quyền. Do đó, có thể thấy hiện nay, quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khuyến khích, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo của toàn xã hội.
Trong vài năm trở lại đây, chúng ta thường xuyên nghe tới phong trào “khởi nghiệp”, “đổi mới sáng tạo” và thuật ngữ đi kèm cùng với đó là “sở hữu trí tuệ”. Bởi vì, Chính phủ Việt Nam đã sớm xác định chủ trương “sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ làm đòn bẩy thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế xã hội”. Có thể nói rằng, chúng ta đã nhận thức đúng đắn ngay từ cấp Trung ương và chủ trương này trở thành kim chỉ nam lan tỏa đi nhiều cấp, ngành.
Vai trò của sở hữu trí tuệ như là động cơ đẩy cho cả cỗ máy hoạt động mạnh mẽ. Không chỉ dừng ở mức biết mà sau đó là hiểu và hành động. Hệ thống sở hữu trí tuệ mang tính bao quát từ xác lập quyền, bảo vệ quyền, thương mại hóa, vì vậy, với mỗi chủ thể, mỗi ngành nghề nên tiếp cận và tập trung vào những khía cạnh nhất định của hệ thống sở hữu trí tuệ.
Hà Thu