Ứng dụng KH&CN vào thực tiễn

Nhiều tiến bộ KH-KT và công nghệ, đặc biệt ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất và đời sống, đã đạt được những kết quả tốt.

Sở Khoa học & Công nghệ Thái Nguyên: Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ phát triển KT - XH - Hình 1

Giám đốc Sở KH&CN – TS. Phạm Quốc Chính

Phong trào nghiên cứu, ứng dụng KH&CN được triển khai trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế, khoa học xã hội nhân văn, chú trọng đưa tiến bộ kỹ thuật đến vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc... Những thành tựu đó, đã góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt cho tổ chức, triển khai thực hiện được 102 đề tài, dự án, nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, 11 nhiệm vụ KH&CN về bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, 6 dự án thuộc Chương trình phát triển KT-XH nông thôn miền núi.

Các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng cao nhất cả về số lượng, kinh phí thực hiện. Kết quả, các nhiệm vụ đã bám sát định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, nội dung nghiên cứu tập trung vào đổi mới giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, kỹ thuật mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao.

Các nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, đã cung cấp được cơ sở khoa học để ban hành nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước phục vụ phát triển KT-XH; tổng kết những thành tựu và truyền thống tự hào qua các thời kỳ cách mạng, đồng thời góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị; nghiên cứu về bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh... đã góp phần bảo tồn, lưu giữ và khai thác nhằm phát triển những nét tinh hoa mang đặc thù riêng của vùng, miền, dân tộc.

Các nghiên cứu trong lĩnh vực y dược, đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong KCB. Nhiều kỹ thuật mới trong điều trị, chăm sóc sức khỏe con người đã được ứng dụng, chuyển giao, góp phần tích cực nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phải kể đến: Nghiên cứu giải phẫu mạch xuyên bắp chân trong bằng siêu âm Doppler; nghiên cứu ứng dụng hỗ trợ sinh sản bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại BV A tỉnh Thái Nguyên; ứng dụng quy trình ghép thận từ người tại Thái Nguyên...

Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ: Các nhiệm vụ KH&CN đã hỗ trợ phát triển sản phẩm của DN - nghiên cứu phương pháp gia công tia lửa điện để chế tạo chày dập thuốc định hình và đã ứng dụng vào thực tiễn sản xuất để gia công chày dập thuốc viên định hình có biên dạng phức tạp; nghiên cứu cải tiến quy trình công nghệ tận thu quặng thiếc chứa hàm lượng sắt cao...

Tỉnh Thái Nguyên đã ký kết Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đến năm 2020 với ĐH Thái Nguyên. Mục tiêu của chương trình là nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thế mạnh của ĐH Thái Nguyên để thực hiện việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH-KT mới vào sản xuất và đời sống, góp phần tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh.

Sở Khoa học & Công nghệ Thái Nguyên: Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ phát triển KT - XH - Hình 2

Hội đồng KH&CN họp xét duyệt thuyết minh các đề tài, dự án KH&CN năm 2019

Tính đến hết tháng 12/2018, có 6 nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình đã được UBND tỉnh phê duyệt cho triển khai thực hiện với tổng kinh phí được phê duyệt là 89,5 tỷ đồng, trong đó: ngân sách tỉnh là 47,2 tỷ đồng, Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh 4,3 tỷ đồng, nguồn đối ứng khác của ĐH Thái Nguyên và DN 38 tỷ đồng. Các nhiệm vụ KH&CN này - đang được ĐH Thái Nguyên tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện.

Một số kết quả đạt được

Công tác quản lý nhà nước đối với các nhiệm vụ KH&CN đã được tăng cường, đạt được nhiều khả quan và có nhiều bước đổi mới quan trọng. Việc xét duyệt, thẩm định, phê duyệt các nhiệm vụ KH&CN được thực hiện đầy đủ, chặt chẽ, khoa học, theo đúng quy định.

Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh, đã được đưa vào hoạt động, góp phần giảm bớt phiền hà trong khâu tạm ứng, quyết toán kinh phí nhiệm vụ KH&CN hàng năm. Cơ chế khoán kinh phí trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN được áp dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học trong việc chủ động, sáng tạo khi triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Công tác phối hợp với các đơn vị của Bộ KH&CN, các đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ, các trung tâm, viện nghiên cứu, trường ĐH được duy trì thực hiện tốt.

Hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đối với các đặc sản của địa phương, đã được quan tâm đầu tư có hiệu quả. Trong những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo tập trung vào việc tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các đặc sản địa phương thông qua thực hiện các nhiệm vụ cấp tỉnh và các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Bộ KH&CN. Hiện nay, đã có 19 đặc sản địa phương được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (1 chỉ dẫn địa lý, 16 nhãn hiệu tập thể và 2 nhãn hiệu chứng nhận). Đặc biệt, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các đặc sản địa phương được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ...

Về hoạt động đảm bảo an toàn, an ninh nguồn phóng xạ: Thái Nguyên đã xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân trên địa bàn tỉnh và được Bộ KH&CN phê duyệt. Trên địa bàn tỉnh hiện có 48 cơ sở sử dụng 124 thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế, 20 cơ sở sử dụng 97 thiết bị phát tia X và 21 cơ sở sử dụng 68 nguồn phóng xạ.

Công tác thẩm định an toàn bức xạ và cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ đối với các thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn, an ninh nguồn phóng xạ được thực hiện tốt và chưa để xảy ra sự cố bức xạ nào trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý công nghệ đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao và bước đầu đã có những kết quả thiết thực. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã chỉ đạo Sở KH&CN thực hiện thẩm định công nghệ và hướng dẫn bổ sung hồ sơ các dự án đầu tư đối với 45 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, theo đúng các quy định hiện hành.

Hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo: Tỉnh đã phối hợp với ĐH Thái Nguyên tổ chức thành công Hội thảo khoa học liên kết vùng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chung kết cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên.

Hoạt động thanh tra KH&CN hàng năm, đều được tiến hành theo đúng kế hoạch về nội dung, trình tự và tiến độ trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước về KH&CN như tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân, thực hiện các đề tài, dự án KH&CN. Kết quả các cuộc thanh tra nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh, đồng thời nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng được duy trì thực hiện tốt, tập trung vào các công việc như tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy định trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Đã tổ chức kiểm tra, phối hợp kiểm tra đối với gần 500 tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng..

Hoàng Thiệp