Năm 2018, Vietjet Air dẫn đầu danh sách chậm chuyến

Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không trong năm 2018 cho thấy, 4 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO đã thực hiện tổng cộng 296.516 chuyến bay, trong đó có 39.632 chuyến rơi vào tình trạng trễ giờ. Trong đó, VASCO là hãng có tỷ lệ cất cánh đúng giờ cao nhất, lên tới 96.6%. Năm qua, hãng đã thực hiện 13.524 chuyến bay trong năm 2018, trong đó có 460 chậm giờ cất cánh.

Đứng đầu danh sách "delay" của 4 hãng này trong năm 2018 là Vietjet Air với 18.746 chuyến bay chậm giờ cất cánh (chiếm khoảng 47,3%). Như vậy, tỷ lệ chậm chuyến so với năm 2017 của hãng đã tăng 1,3%, tỷ lệ cất cánh đúng giờ xuống giảm xuống còn 84,2%. Cũng trong năm qua, hãng này đã thực hiện 118.923 chuyến bay, tăng 21,8% so với cùng kỳ.

Vietnam Airlines đứng thứ 2 trong danh sách hãng hàng không delay với 13.790 chuyến bay trong tổng số 128.236 chuyến bay được hãng thực hiện trong năm 2018. Vietnam Airlines đã giảm 0,4% tỷ lệ cất cánh đúng giờ xuống mức 89,2%.

Số lượng chuyến bay chậm chuyến tăng mạnh: Các hãng hàng không vẫn ồ ạt mua máy bay - Hình 1

Cũng theo số liệu từ Cục Hàng không, Jetstar Pacific có 18,5% số chuyến bay chậm chuyến. Trong năm 2018, Jetstar Pacific đã thực hiện tổng cộng 35.833 chuyến bay, trong đó có 6.636 chuyến bị chậm giờ cất cánh. Tỷ lệ cất cánh đúng giờ của Jetstar Pacific cũng giảm 1,1% trong năm 2018, xuống còn 81,5%.

Cũng trong năm 2018, các hãng bay đã hủy tổng cộng 790 chuyến, chiếm 0,3% tổng số chuyến bay thực hiện. Vietnam Airlines hủy nhiều nhất với 274 chuyến, VASCO hủy 202 chuyến, Jetstar Pacific hủy 168 chuyến và Vietjet Air hủy 146 chuyến.

Gần đây nhất, theo số liệu thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, số lượng chuyến bay chậm giờ trong tháng 2 tăng mạnh lên tới gần 5.000 chuyến. Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam vừa công bố tình hình hoạt động khai thác chuyến bay đúng giờ, chậm, huỷ chuyến của các hãng hàng không Việt Nam tháng 2/2019, tháng vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Trong tháng 2, các hãng hàng không (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo Airways và Vasco) đã khai thác 29.363 chuyến bay, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (22,8%) và tăng 16,6% so với tháng 1/2019.

Trong đó số chuyến bay chậm chuyến là 4.984, chiếm tỷ lệ 17%, tăng 4,2 điểm phần trăm so với tháng trước và tăng 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018.

Đứng đầu tỷ lệ chậm chuyến là Jetstar Pacific với 838 chuyến chậm, chiếm tỷ lệ 25,5% chuyến khai thác.

Tổng số chuyến chậm trong tháng 2 của hãng Vietjet là 2.677 chuyến, chiếm 21,5% số chuyến khai thác.

Vietnam Airlines có 1.343 chuyến bị chậm, chiếm tỷ lệ 11,1% số chuyến khai thác. Vasco có 98 chuyến chậm, chiếm tỷ lệ 9,2%.

Riêng "tân binh" Bamboo Airways đã khai thác 507 chuyến bay trong tháng 2, trong đó có 28 chuyến chậm, chiếm tỷ lệ 5,5%.

Nhìn chung, tỷ lệ chậm chuyến trong tháng 2 tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ năm trước.

Ồ ạt mua mua máy bay làm gì?

Tại cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Việt Nam, hơn 100 tàu bay mới được hai hãng hàng không tư nhân là VietJet Air và Bamboo Airways ký hợp đồng mua về. Cách đây 3 năm, VietJet Air cũng tận dụng một sự kiện ngoại giao để thực hiện thương vụ bom tấn mua 100 tàu bay Boeing.

Số lượng tàu bay ở Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng trong khi chính các hãng bay cũng đang chật vật xoay sở với hạ tầng hàng không hạn chế ở Việt Nam. Nhu cầu di chuyển hàng không tăng lên, số lượng máy bay cũng tăng nhưng hạ tầng vẫn dậm chân tại chỗ dễ dẫn đến khả năng vỡ trận với các mục tiêu tăng trưởng của ngành.

Tuy nhiên nguồn lợi trước mắt về việc mua, bán rồi thuê lại (sale and leaseback) tàu bay là quá lớn khiến các hãng hàng không tận dụng triệt để nghiệp vụ này để có nguồn thu. Đó là lý do khiến nhiều hãng dù biết nhưng vẫn phải bỏ qua việc hạ tầng chưa đủ đáp ứng với tốc độ tăng trưởng đội bay của họ.

Số lượng chuyến bay chậm chuyến tăng mạnh: Các hãng hàng không vẫn ồ ạt mua máy bay - Hình 2

Mới đây, tại cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Việt Nam, hơn 100 tàu bay mới vẫn được hai hãng hàng không tư nhân là VietJet Air và Bamboo Airways ký hợp đồng mua về…

Thậm chí lãnh đạo VietJet cũng từng chia sẻ, nhu cầu đầu tư sân bay là cấp thiết để tạo thêm điểm đỗ vì hiện nay, sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, nhiều máy bay VietJet đang phải thuê đỗ qua đêm tại sân bay Cần Thơ, Cam Ranh. Điều này ảnh hưởng lớn đến kế hoạch khai thác, kinh doanh của hãng.

Nhưng khi những kế hoạch của họ về hạ tầng cũng chỉ nằm trên diện đề xuất thì trong vòng 3 năm qua hãng này đã ký hợp đồng mua khoảng 270 tàu bay mới. Cụ thể, tại triển lãm hàng không Farnborough Airshow ở Anh tháng 7/2018, VietJet và Boeing đã ký biên bản ghi nhớ việc mua 100 máy bay Boeing 737 Max. Toàn bộ hợp đồng này dự kiến được Boeing giao cho VietJet trong giai đoạn 2022-2025.

Hay trước đó với sự chứng kiến của Tổng thống Obama VietJet và Boeing đã ký hợp đồng đặt mua 100 máy bay Boeing 737 MAX 200 với trị giá 11,3 tỷ USD. Đây là hợp đồng đặt mua máy bay có giá trị lớn nhất của ngành hàng không Việt Nam lúc đó. Boeing tuyên bố sẽ bàn giao số máy bay này cho VietJet từ năm 2019 đến 2023.

Hiện tại đội bay của VietJet có số lượng 64 tàu bay và dự đoán sẽ tăng lên đáng kể sau khi các hợp đồng của Boeing được bàn giao. Trong khi đó, Vietnam Airlines đang vận hành đội bay gần 100 chiếc, Jetstar Airlines có 11 chiếc, lính mới Bamboo Airways cũng sở hữu đội bay 6 chiếc và có thể tăng lên hơn 50 tàu bay sau các hợp đồng thỏa thuận mới đây.

Đó là thống kê sơ bộ của các hãng hàng không nội địa, tuy nhiên áp lực lên hạ tầng không chỉ nằm ở 4 hãng này. Theo Cục Hàng không Việt Nam, đang có 68 hãng hàng không nước ngoài từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ đang khai thác đường bay đến Việt Nam, đó là một con số đủ lớn khiến hạ tầng đang hạn chế ở Việt Nam gặp khó khăn.

Tuấn Ngọc